Giáo dụcHọc thuật

Top 10 đề thi tiếng Việt vào lớp 6 có đáp án mới nhất

2
Top 10 đề thi tiếng Việt vào lớp 6 có đáp án mới nhất

Tổng hợp các đề thi tiếng Việt vào lớp 6 mới nhất có gợi ý đáp án trong bài viết này sẽ giúp các bạn học sinh ôn luyện kiến thức chi tiết, đạt điểm cao trong bài thi sắp tới. Bộ đề đều được soạn bám sát cấu trúc đề thi của các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.

Kiến thức cần nắm vững khi luyện đề thi vào lớp 6 môn tiếng Việt

Để làm bài thi vào lớp 6 môn tiếng Việt đạt hiệu quả cao, các bạn học sinh cần xây dựng lộ trình học hiệu quả. Những kiến thức trọng tâm cần lưu ý khi ôn thi lớp 6 môn Tiếng Việt là:

  • Ở phần đọc hiểu văn bản, học sinh nên khai thác nội dung, giá trị của bài học, sau đó trả lời những câu hỏi vận dụng.

  • Ở phần trả lời câu hỏi đọc hiểu, học sinh nên trả lời ngắn gọn, súc tích, nhấn vào trọng tâm của đề bài, không được trả lời lan man, ý không rõ ràng.

  • Ở phần kiến thức tiếng Việt, học sinh hãy nắm vững những dấu câu, kiểu câu, biện pháp nghệ thuật như nhân hóa hoặc so sánh, các từ loại như động từ, tính từ, danh từ.

  • Ở phần tập làm văn, học sinh cần tập trung vào văn miêu tả và kể chuyện. Các em nên chú ý kỹ năng phân tích đề bài, lập dàn ý, viết đoạn văn, biết liên kết các câu lại với nhau, cách dùng từ sinh động, có chọn lọc. Sau khi hoàn thành bài, học sinh cần tạo thói quen kiểm tra lại bài để tránh sai sót.

Để tránh bị nhầm lẫn kiến thức giữa các môn hoặc ôn tập xong dễ bị quên, học sinh cần có lộ trình học tập chi tiết theo từng giai đoạn và thời gian cụ thể. Trước tiên, các em hãy nắm vững kiến thức cơ bản rồi mới ôn theo từng chuyên đề, bước cuối cùng là luyện giải đề thi thử vào lớp 6 môn tiếng Việt.

Bên cạnh đó, để việc ôn tập không trở nên căng thẳng, gò bó, phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ học theo nhiều phương pháp khác nhau, đan xen giữa làm bài tập trên giấy và trên ứng dụng VNguyễn Tất Thành. Với đồ họa sinh động cùng nhiều game hấp dẫn học mà chơi – chơi mà học, phần mềm đã được hàng triệu phụ huynh tin dùng cho con và đạt kết quả cao trong bộ môn tiếng Việt.





Đừng chậm trễ trong việc dạy con theo phương pháp mới. ĐĂNG KÝ NGAY để được dùng thử MIỄN PHÍ và nhận lộ trình học phù hợp từ CHUYÊN GIA.

Dưới đây là Bộ 10 đề thi vào lớp 6 môn tiếng Việt để các em luyện tập ngay tại nhà:.

Đề thi thử vào lớp 6 môn tiếng Việt – Đề số 1

Phần 1. Trắc nghiệm (2 điểm)

Xuân về

 

Thong thả dân gian nghỉ việc đồng

Lúa thì con gái mượt như nhung

Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng

Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.

 

Trên đường cát mịn một đôi cô

Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc

Tay lần tràng hạt miệng nam mô.

(theo Nguyễn Bính)

 

1. (0,25 điểm) Bài thơ “Xuân về” được viết theo thể thơ gì?

  1. Thơ bảy chữ
  2. Thơ tám chữ
  3. Thơ lục bát
  4. Thơ năm chữ

2. (0,25 điểm) Bài thơ “Xuân về” miêu tả khung cảnh vào thời điểm nào trong năm?

  1. Khi mùa đông về
  2. Khi mùa xuân về
  3. Khi mùa hè về
  4. Khi mùa thu về

3. (0,25 điểm) Trong vườn, những loài hoa nào đã rơi rụng?

  1. Hoa bưởi, hoa mai
  2. Hoa mai, hoa đào
  3. Hoa đào, hoa cam
  4. Hoa cam, hoa bưởi

4. (0,25 điểm) Bài thơ “Xuân về” có sử dụng bao nhiêu từ láy?

  1. 1 từ
  2. 2 từ
  3. 3 từ
  4. 4 từ

5. (0,25 điểm) Câu thơ “Gậy trúc dắt bà già tóc bạc” đã dùng biện pháp tu từ gì?

  1. So sánh
  2. Ẩn dụ
  3. Nhân hóa
  4. Hoán dụ

6. (0,25 điểm) Cụm từ “việc đồng” trong bài thơ “Xuân về” nghĩa là gì?

  1. Công việc ngoài đồng ruộng
  2. Công việc ở trong bếp
  3. Công việc ở trên sông hồ
  4. Công việc ở trong vườn

7. (0,25 điểm) Từ nào đồng nghĩa với từ “ngào ngạt” trong câu thơ “Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng”?

  1. Thoang thoảng
  2. Mờ nhạt
  3. Nồng nàn
  4. Nhạt nhòa

8. (0,25 điểm) Từ “lúa thì con gái” trong bài thơ “Xuân về” nghĩa là gì?

  1. Tên giống lúa này là “con gái”
  2. Lúa có ngoại hình giống người con gái
  3. Lúa đang ở thời điểm tươi xanh, tràn đầy sức sống nhất
  4. Lúa đã chín vàng ươm, đẹp như mái tóc người con gái

Phần 2. Tự luận (8 điểm)

Câu 1. (1 điểm)

Cho câu văn sau:

Cứ mỗi lần chúng tôi reo hò, huýt còi ầm ĩ chạy lên đồi là hai cây phong khổng lồ lại nghiêng ngả đung đưa như muốn chào mời chúng tôi đến với bóng râm mát rượi và tiếng lá xào xạc dịu hiền.

(theo Ai-ma-tốp)

a. Phân tích cấu tạo của câu văn trên.

b. Câu văn trên đã sử dụng biện pháp tu từ nào? Em hãy chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Câu 2. (0.5 điểm)

Viết tiếp phần câu còn lại vào chỗ trống để hoàn thành các câu ghép hoàn chỉnh:

a. Chú gà trống dậy từ sớm, cất tiếng gáy gọi ông mặt trời, ……………….

b. ………………. nên em đành phải đi bộ đến trường một mình..

Câu 3. (0,5 điểm)

Cho câu văn sau:

Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt.

(theo Nguyên Hồng)

Phân tích cấu tạo của câu văn trên và cho biết đó là kiểu câu gì?

Câu 4. (1 điểm)

Cho đoạn thơ sau:

Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng…

(theo Tế Hanh)

 

a. Tìm các từ láy có trong đoạn thơ.

b. Đặt 1 câu ghép có sử dụng 1 trong các từ láy em vừa tìm được, có sử dụng cặp quan hệ từ theo quan hệ điều kiện – kết quả.

Câu 5. (5 điểm)

Viết một bài văn để miêu tả một cuốn sách mà mình yêu thích nhất.

Đáp án đề thi số 1:

Phần 1. Trắc nghiệm






1. A

3. D

5. C

7. C

2. B

4. B

6. A

8. C

Phần 2. Tự luận

Câu 1.

a.

Cứ mỗi lần/ chúng tôi/ reo hò, huýt còi ầm ĩ chạy lên đồi// (là) hai cây phong/ khổng lồ lại nghiêng ngả đung đưa như muốn chào mời chúng tôi đến với bóng râm mát rượi và tiếng lá xào xạc dịu hiền.

Trạng ngữ: cứ mỗi lần

Chủ ngữ 1: chúng tôi – Vị ngữ 1: reo hò, huýt còi ầm ĩ chạy lên đồi

Quan hệ từ: là

Chủ ngữ 2: hai cây phong – Vị ngữ 2: khổng lồ lại nghiêng ngả đung đưa như muốn chào mời chúng tôi đến với bóng râm mát rượi và tiếng lá xào xạc dịu hiền.

b.

Câu văn sử dụng biện pháp tu từ so sánh.

So sánh hành động cây phong nghiêng ngả đung đưa với hành động chào mời (giống nhau về hình thức)

Tác dụng: giúp hình ảnh câu văn trở nên sống động, hấp dẫn, giúp người đọc dễ liên tưởng, tưởng tượng ra hình ảnh hai cây phong to lớn đang đung đưa cành lá ở trên ngọn đồi lớn, giống như những cánh tay đang vẫy chào.

Câu 2.

Gợi ý:

a. Chú gà trống dậy từ sớm, cất tiếng gáy gọi ông mặt trời, mọi người cũng dần thức dậy đón chào ngày mới.

b. Hôm nay, bạn Hoa bị ốm nên em đành phải đi bộ đến trường một mình..

Câu 3.

Tôi/ ngồi trên đệm xe//, đùi/ áp đùi mẹ tôi//, đầu/ ngả vào cánh tay mẹ tôi//, tôi/ thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt.

Chủ ngữ 1: tôi – Vị ngữ 1: ngồi trên đệm xe

Chủ ngữ 2: đùi – Vị ngữ 2: áp đùi mẹ tôi

Chủ ngữ 3: đầu – Vị ngữ 3: ngả vào cánh tay mẹ tôi

Chủ ngữ 4: tôi – Vị ngữ 4: thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng mơn man khắp da thịt.

→ Đây là câu ghép có bốn cụm chủ vị, được phân tách với nhau bằng dấu phẩy.

Câu 4.

a. Từ láy: lấp loáng

b. Gợi ý đặt câu:

Cô Trà bật dãy đen bên bờ hồ lên, khiến mặt hồ lấp loáng các vệt sáng màu vàng cam ấp áp.

Những ô cửa kính lấp loáng những mảng màu sặc sỡ làm cho cái Na mải nhìn mà quên cả ăn kem.

Đề thi vào lớp 6 môn tiếng Việt – Đề số 2

Phần 1. Trắc nghiệm (2 điểm)

Chiếc rổ may

 

Thuở bé nhiều hôm tôi bỏ chơi

Cảm thương đứng ngó mẹ tôi ngồi

Vá bên chiếc rổ mùi thơm cũ

Như tấm lòng thơm của mẹ tôi.

 

Lơ thơ chỉ rối sợi con con;

Những cái kim hư, hột nút mòn

Tằn tiện để dành trong lọ nhỏ;

Vải lành gói ghém mấy khoanh tròn…

(theo Tế Hanh)

Khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng

1. (0,25 điểm) Bài thơ “Chiếc rổ may” được viết theo thể thơ gì?

  1. Thơ năm chữ
  2. Thơ sáu chữ
  3. Thơ bảy chữ
  4. Thơ tám chữ

2. (0,25 điểm) Nhiều hôm nhân vật trữ tình trong bài thơ “Chiếc rổ may” đã bỏ chơi để làm gì?

  1. Để học bài
  2. Để ngủ trưa
  3. Để nấu cơm
  4. Để xem mẹ

3. (0,25 điểm) Trong bài thơ “Chiếc rổ may”, những từ nào sau đây được dùng để miêu tả đặc điểm của các dụng cụ may vá của mẹ?

  1. Hư, mòn
  2. Cảm thương
  3. Lơ thơ
  4. Tằn tiện

4. (0,25 điểm) Đâu là cặp từ trái nghĩa đã xuất hiện ở trong bài thơ “Chiếc rổ may”?

  1. Cũ – mới
  2. Thơm – thối
  3. Hư – lành
  4. Bé – lớn

5. (0,25 điểm) Bài thơ “Chiếc rổ may” sử dụng tất cả bao nhiêu từ láy?

  1. 2 từ láy
  2. 3 từ láy
  3. 4 từ láy
  4. 5 từ láy

6. (0,25 điểm) Hai câu thơ dưới đây của bài thơ “Chiếc rổ may” đã sử dụng biện pháp tu từ nào?

“Vá bên chiếc rổ mùi thơm cũ

Như tấm lòng thơm của mẹ tôi.”

  1. Nhân hóa
  2. Ẩn dụ
  3. Hoán dụ
  4. So sánh

7. (0,25 điểm) Chủ ngữ của câu thơ “Thuở bé nhiều hôm tôi bỏ chơi” là gì?

  1. Thuở bé
  2. Nhiều hôm
  3. Nhiều hôm tôi
  4. Tôi

8. (0,25 điểm) Từ nào đồng nghĩa với từ in đậm trong câu thơ “Cảm thương đứng ngó mẹ tôi ngồi”?

  1. nghĩ
  2. nhìn
  3. ngủ
  4. ngóng

Phần 2. Tự luận (8 điểm)

Câu 1. (2 điểm)

Cho đoạn văn sau:

(1) Thường thường, vào khoảng đó, trời đã hết nồm, mưa xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê mờ. (2) Sáng dậy, nằm dài nhìn ra cửa sổ thấy những vệt xanh tươi hiện ra ở trên trời, mình cảm thấy rạo rực một niềm vui sáng sủa. (3) Trên giàn hoa lí, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa. (4) Chỉ độ tám chín giờ sáng, trên nền trời trong trong có những làn sáng hồng hồng rung động như cánh con ve mới lột.

(theo Vũ Bằng)

a. Dựa vào đoạn văn trên, em hãy phân tích cấu tạo các câu (1), (3) và cho biết những câu đó thuộc kiểu câu gì?

b. Chỉ ra những hình ảnh so sánh có xuất hiện trong đoạn văn trên. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh.

Câu 2. (1 điểm)

a. Tìm 3 tính từ từ chỉ phẩm chất của người học sinh.

b. Chọn 1 trong các từ vừa tìm được từ câu a và đặt thành 1 câu ghép.

Câu 3. (1 điểm)

Viết tiếp vào trước hoặc sau các câu cho sẵn để hoàn thành câu ghép sau:

a. …………………………. nhưng chú mèo vẫn ngủ say bên đống tro bếp.

b. Trời mưa ngày càng to hơn ………………………….

Câu 4. (4 điểm)

Viết một bài văn miêu tả lại một loại quả mà em yêu thích nhất vào mùa hè.

Đáp án:

Phần 1. Trắc nghiệm (2 điểm)






1. C

3. A

5. B

7. D

2. D

4. C

6. D

8. B

Phần 2. Tự luận (8 điểm)

Câu 1.

a.

(1) Thường thường, vào khoảng đó,// trời/ đã hết nồm//, mưa xuân/ bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê mờ.

Trạng ngữ: thường thường, vào khoảng đó

Chủ ngữ 1: trời – Vị ngữ 1: đã hết nồm

Chủ ngữ 2: mưa xuân – Vị ngữ 2: bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê mờ.

→ Câu ghép

(3) Trên giàn hoa lí/, vài con ong/ siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa.

Trạng ngữ: trên giàn hoa lí

Chủ ngữ: vài con ong

Vị ngữ: siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa

→ Câu đơn

b.

Hình ảnh so sánh có trong đoạn văn: nền trời đùng đục như màu pha lê mờ, làn sáng hồng hồng rung động như cánh con ve mới lột.

Tác dụng của biện pháp tu từ so sánh: giúp cho câu văn, hình ảnh trở nên chân thực, sống động và hấp dẫn hơn, giúp cho người đọc dễ liên tưởng, tưởng tượng ra màu của nền trời đùng đục, màu hồng hồng của ánh sáng buổi sớm.

Câu 2.

Gợi ý:

a. Tính từ chỉ phẩm chất của người học sinh: cần cù, chăm chỉ, siêng năng, ngoan ngoãn, trung thực, hiền lành, sáng tạo,  tự tin, lười biếng, kiên trì, lười nhác…

b. Học sinh tham khảo các câu sau:

Hùng là một học sinh giỏi vì cậu ấy vừa chăm chỉ lại vừa thông minh.

Suốt 1 tháng nay, Ngọc luôn kiên trì dậy sớm tập thể dục, nhờ thế bạn ấy đã khỏe mạnh hơn rất nhiều.

Câu 3.

Gợi ý:

a. Mặt trời đã lên đến đỉnh rồi, nhưng chú mèo vẫn ngủ say bên đống tro bếp.

b. Trời mưa ngày càng to hơn nên các bác thợ xây phải ngồi lại trú mưa dưới mái hiên nhà em.

Câu 4. (Dàn ý tả quả xoài)

1. Mở bài

Giới thiệu về đối tượng miêu tả (quả xoài)

Giống như mỗi bông hoa có một hương thơm riêng thì mỗi một loại quả lại có một hương vị riêng. Trong vô vàn những loại trái cây hấp dẫn ấy, em thích nhất là quả xoài.

2. Thân bài

a. Tả khái quát

  • Xoài là loại quả phổ biến ở nước ta, thường được thu hoạch vào đầu hè.
  • Xoài có nhiều loại như xoài tượng, xoài cát…

b. Tả chi tiết

  • Khi còn non, quả xoài chỉ vừa hai đốt ngón tay nhưng đến khi chín rộ xoài to bằng hai bàn tay người lớn chụm lại, có loại như xoài tượng còn to hơn nữa.
  • Cầm quả xoài ta có thể cảm nhận được lớp vỏ láng mịn và hơi trơn.
  • Khi quả còn xanh, lớp vỏ bên ngoài là màu xanh lá đậm nhưng đến khi quả chín lớp áo ngoài ấy lại chuyển sang màu vàng ươm trông thật thích mắt.
  • Nằm bên trong vỏ là ruột xoài cũng nhuộm một màu vàng tươi.
  • Thịt xoài mềm, vô cùng thơm và ngọt.
  • Lớp trong cùng là hạt xoài cứng có những sợi xơ cứng bao bọc quanh hạt.
  • Bổ quả xoài ra ta có thể ngửi thấy một mùi hương vô cùng ấn tượng. Mùi thoang thoảng nhưng vẫn mang hương vị đậm đà.
  • Em thích nhất là miếng xoài được cắt lát sau đó chia thành nhiều miếng vuông nhỏ.
  • Thưởng thức miếng xoài là cảm nhận hương vị của thiên nhiên, đó là tinh túy được tạo ra từ công lao của người vun trồng và chăm sóc.

c. Ý nghĩa và công dụng của quả xoài

  • Nhà em có trồng một cây xoài nên cứ đến mùa, em lại được ăn xoài thỏa thích.
  • Xoài là loại quả tốt cho sức khỏe với hàm lượng lớn vitamin A và vitamin C
  • Xoài không chỉ được ăn trực tiếp mà còn được chế biến thành nhiều món hấp dẫn khác như chè xoài, kem xoài và bánh nhân xoài.. Loại quả này cũng có thể dùng để giải khát như nước ép xoài, sinh tố xoài…

3. Kết bài

Nêu cảm nghĩ về đối tượng miêu tả (quả xoài)

Vì vừa ngon vừa bổ dưỡng nên xoài trở thành loại quả yêu thích của nhiều người. Em mơ ước sau này có thể trồng được một vườn xoài cho riêng mình.

Đề thi tiếng việt vào lớp 6 – Đề số 3

Bài 1.

1. Điền vào chỗ trống để hoàn thành các khái niệm sau:

a) Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm nhưng…………………..

b) Từ nhiều nghĩa là từ có một nghĩa gốc và một hay một số nghĩa chuyển. Các nghĩa của từ nhiều nghĩa bao giờ cũng có…………………………………………………….

2. Dựa theo nghĩa của tiếng truyền, xếp các từ sau thành hai nhóm: truyền thống, truyền nghề, truyền bá, truyền tin

a) Truyền có nghĩa là trao lại cho người khác (thường thuộc thế hệ sau).

b) Truyền có nghĩa là lan rộng hoặc làm lan rộng ra cho nhiều người biết.

c) Tìm một câu tục ngữ có ý nghĩa thể hiện đạo lí tốt đẹp của ông cha ta

Bài 2.

Trái đất trẻ của bạn trẻ năm châu

Vàng, trắng, đen… dù da khác màu

Ta là nụ, là hoa của đất

Gió đẫm hương thơm, nắng tô thắm sắc

Màu hoa nào cũng quý, cũng thơm!

Màu hoa nào cũng quý, cũng thơm!

(Bài ca về trái đất – Định Hải)

a) Từ ta trong đoạn thơ trong bài “Bài ca về trái đất” dùng để chỉ ai? Từ đó thuộc từ loại nào?

b) Đặt một câu có chứa từ đồng âm với từ sắc có trong đoạn thơ “Bài ca về trái đất”.

c) Đoạn thơ trong bài “Bài ca về trái đất” sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào?

d) Em hãy nêu ý nghĩa của việc lặp lại câu cảm ở cuối đoạn thơ “Bài ca về trái đất”.

Bài 3.

1/ Thiên nhiên Hạ Long chẳng những kì vĩ mà còn duyên dáng.

2/ Nét duyên dáng của Hạ Long chính là cái tươi mát của sông nước, cái rạng rỡ của đất trời. 3/ Sóng nước Hạ Long quanh năm trong xanh.

4/ Đất trời Hạ Long bốn mùa sáng nắng.

5/ Bốn mùa Hạ Long mang trên mình một màu xanh đằm thắm: xanh biếc của biển, xanh lam của núi, xanh lục của trời.

6/ Màu xanh ấy như trường cửu, lúc nào cũng bát ngát, cũng trẻ trung, cũng phơi phới.

7/ Núi non, sóng nước tươi đẹp của Hạ Long là một bộ phận của non sông Việt Nam gấm vóc mà nhân dân ta đời nọ tiếp đời kia mãi mãi giữ gìn.

(Vịnh Hạ Long – theo Thi Sảnh)

a) Em hãy chỉ rõ phép liên kết và từ ngữ có tác dụng liên kết trong các câu văn 3, 4, 5, 6.

b) Viết lại các tính từ trong câu văn số 6. Việc đặt các tính từ gần nhau trong một câu văn có tác dụng gì trong việc miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên Hạ Long? Vẻ đẹp đó như thế nào?

c) Câu văn số 5 là câu đơn hay câu ghép? Em hãy chép lại lại và xác định chủ ngữ, vị ngữ của câu văn đó.

Bài 4.

Tuổi thơ của tôi được nâng lên từ những cánh diều.

Chiều chiều, trên bãi thả, đám trẻ mục đồng chúng tôi hò hét nhau thả diều thi. Cánh diều mềm mại như cánh bướm. Chúng tôi vui sướng đến phát dại nhìn lên trời. Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Sáo đơn, rồi sáo kép, sáo bè… như gọi thấp xuống những vì sao sớm.

Ban đêm, trên bãi thả diều thật không còn gì huyền ảo hơn. Có cảm giác diều đang trôi trên dải Ngân Hà. Bầu trời tự do đẹp như một thảm nhung khổng lồ. Có cái gì cứ cháy lên, cháy mãi trong tâm hồn chúng tôi. Sau này tôi mới hiểu đấy là khát vọng. Tôi đã ngửa cổ suốt một thời mới lớn để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời và bao giờ cũng hi vọng khi tha thiết cầu xin: “Bay đi diều ơi! Bay đi!”. Cánh diều tuổi ngọc ngà bay đi, mang theo nỗi khát khao của tôi.

a) Em hãy cho biết, bài văn trên có tên là gì? Của tác giả nào?

b) Em hãy giải nghĩa từ khát vọng có trong đoạn văn trên.

c) Vì sao tác giả lại nói “Tuổi thơ của tôi được nâng lên từ những cánh diều”? Điều đó gợi cho em suy nghĩ gì về trò chơi thả diều của trẻ thơ?

d) Kể tên một số trò chơi dân gian của tuổi thơ mà em thích.

Bài 5. Viết một bài văn diễn tả khát vọng về nghề nghiệp của em trong tương lai.

Gợi ý giải đề

Bài 1.

a) Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm nhưng khác hẳn nhau về nghĩa.

b) Từ nhiều nghĩa là từ có một nghĩa gốc và một hay một số nghĩa chuyển. Các nghĩa của từ nhiều nghĩa bao giờ cũng có mối liên hệ với nhau.

2/

a) Truyền có nghĩa là trao lại cho người khác (thường thuộc thế hệ sau): truyền thống, truyền nghề.

b) Truyền có nghĩa là lan rộng hoặc làm lan rộng ra cho nhiều người biết: truyền bá, truyền tin.

c) Câu tục ngữ về đạo lí tốt đẹp của ông cha ta: Uống nước nhớ nguồn/Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/…

Bài 2.

a) Từ ta trong đoạn thơ dùng để chỉ con người nói chung và trẻ em khắp năm châu nói riêng.

Ta là đại từ.

b) Đặt câu với từ sắc có nghĩa là dấu thanh.

c) Đoạn thơ trên sử dụng những biện pháp nghệ thuật:

– Nhân hóa: Trái đất trẻ

– So sánh: Ta là nụ, là hoa của đất.

– Điệp ngữ: Hai câu cuối

d) Ý nghĩa của việc lặp lại câu cảm ở cuối đoạn thơ:

– Khẳng định tầm quan trọng của con người, nhất là trẻ em trên trái đất(từ quý, thơm).

– Khẳng định mọi người không kê tôn giáo, chủng tộc, màu da đều là tinh túy của trời đất (người ta là hoa đất) nên đều có vẻ đẹp riêng đều đáng quý, đáng trân trọng.

– Kêu gọi tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa các đất nước, các châu lục với nhau.

Bài 3.

a) Phép liên kết và từ ngữ có tác dụng liên kết trong các câu văn 3, 4, 5, 6

– Liên kết các câu trong bài bằng phép lặp: Hạ Long, bốn mùa, màu xanh

– Liên kết các câu trong bài bằng cách thay thê từ ngữ: (màu xanh) ấy

b)

– Các tính từ ở câu văn số 6: trường cửu, bát ngát, trẻ trung, phơi phới.

– Tác dụng của việc đặt các tính từ gần nhau: nhấn mạnh và làm tăng lên vẻ đẹp tồn tại mãi mãi, trẻ trung, tràn đầy sức sống của Hạ Long.

c) Câu đơn.

Chủ ngữ: Bốn mùa Hạ Long

Vị ngữ: mang trên mình một màu xanh đằm thắm: xanh biếc của biển, xanh lam của núi, xanh lục của trời.

Bài 4.

a) Bài văn trên có tên là Cánh diều tuổi thơ của tác giả Tạ Duy Anh.

b) Khát vọng: Điều mong muốn, đòi hỏi rất mạnh mẽ.

c)

– Tác giả nói: Tuổi thơ của tôi được nâng lên từ những cánh diều vì cánh diều đã khơi gợi những ước mơ đẹp đẽ và bay bổng cho tuổi thơ của tác giả, làm cho tuổi thơ của ông có thêm nhiều niềm vui và những kỉ niệm đáng nhớ.

– Điều đó gợi cho em suy nghĩ về trò chơi thả diều của trẻ thơ:

+ Đây là trò chơi thân thuộc, gắn bó với trẻ thơ.

+ Đối với trẻ em ở nông thôn, trò chơi này giúp các em xua tan những mệt nhọc vất vả trong công việc hàng ngày,đồng thời mang đến cho các em niềm tin, ước mơ tốt đẹp.

d) Em hãy kể một số trò chơi dân gian của tuổi thơ mà em thích: Thả đỉa ba ba, Trốn tìm, Trồng nụ trồng hoa, Thả diều, Chọi dế, Ô ăn quan, Nhảy dây…

Bài 5.

– Đoạn văn cần nêu rõ các ý: Đó là nghề gì? Điều gì khiến em có mong muốn mạnh mẽ để làm nghề đó? Em hiểu biết gì về nghề đó? Nghề đó cần ở em những đức tính gì? Để sau này làm được nghề đó, bây giờ em có những hành động cụ thể nào?

– Đoạn văn diễn đạt với bố cục chặt chẽ; câu văn đúng ngữ pháp; từ dùng đúng, hay.

Lưu ý: Bài văn gây ấn tượng sâu sắc khi nói rõ được mong muốn mạnh mẽ (khát vọng) khiến học sinh chọn nghề mình sẽ làm trong tương lai.

Đề thi thử vào lớp 6 môn tiếng Việt – Đề số 4

Phần I. Trắc nghiệm (4 điểm)

Chọn chữ cái đứng trước đáp án đúng của các câu sau (từ câu 1 đến câu 8).

Câu 1. Trong những thành ngữ sau đây, thành ngữ nào không chứa cặp từ trái nghĩa?

A. Gần nhà xa ngõ.

B. Chân lấm tay bùn.

C. Ba chìm bảy nổi.

D. Lên thác xuống ghềnh.

Câu 2. Cụm nào sau đây đều chứa từ ghép tổng hợp?

A. Tốt tươi, đi đứng, mặt mày, rạo rực.

B. Đàn bầu, lạnh lùng, nhỏ nhặt, nấu nướng.

C. Hư hỏng, bó buộc, mơ mộng, tóc tai.

D. Xanh xao, bọt bèo, yêu thương, đáo để.

Câu 3. Trong các câu dưới đây, từ “ăn” trong câu nào được dùng theo nghĩa chuyển?

A. Tối nay, tôi ăn cơm ở nhà bà ngoại.

B. Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.

C. Mỗi bữa, nó chỉ ăn có một bát cơm.

D. Mẹ tôi là người làm công ăn lương.

Câu 4. Câu nào trong các câu sau đây là câu cầu khiến?

A. Lan làm bài tập này thế nào nhỉ?

B. Cậu đứng xa chỗ đó ra!

C. Bông hoa này đẹp thật!

D. Thôi, mình làm vỡ mất lọ hoa này rồi!

Câu 5. Trong các câu sau, câu nào đặt dấu gạch chéo (/) đúng vị trí để phân cách chủ ngữ và vị ngữ?

A. Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như / tấm kính lau hết mây hết bụi.

B. Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch / như tấm kính lau hết mây hết bụi.

C. Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính / lau hết mây hết bụi.

D. Sau trận bão, chân trời, ngấn bể / sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi.

Câu 6. Kết hợp nào trong những từ dưới đây không phải là một từ?

A. Nước biển.

B. Xe đạp.

C. Học hát.

D. Xe cộ.

Câu 7. Hai câu thơ trong bài “Tiếng vọng” của Nguyễn Quang Thiều sau đây dùng biện pháp tu từ gì?

“Những quả trứng lại lăn vào giấc ngủ

Tiếng lăn như đá lở trên ngàn.”

A. Điệp từ – so sánh.

B. Ẩn dụ – so sánh.

C. Nhân hóa – so sánh.

D. Không có sử dụng biện pháp tu từ.

Câu 8. Hai vế câu trong câu ghép “Mưa càng to, gió càng thổi mạnh.” có quan hệ ý nghĩa với nhau như thế nào?

A. Quan hệ tăng tiến.

B. Quan hệ điều kiện, giả thiết – kết quả.

C. Quan hệ nguyên nhân – kết quả.

D. Quan hệ tương phản.

Phần II. Tự luận (6 điểm)

Câu 1. (1,0 điểm) Tìm và xếp các từ được in đậm trong đoạn văn dưới đây vào bảng phân loại cho phù hợp:

“Sau trận bão, chân trời ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi. Mặt trời nhú lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh và phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông.”

(Cô Tô – Nguyễn Tuân)






Động từ

Tính từ

Quan hệ từ

     

 

Câu 2. (3,5 điểm)

Xác định các bộ phận chủ ngữ, vị ngữ và trạng ngữ trong các câu sau:

a) Buổi sớm, ngược hướng chúng bay đi tìm ăn và buổi chiều theo hướng chúng bay về tổ, con thuyền sẽ tới được bờ.

b) Mấy hôm nọ, trời mưa lớn, trên những hồ ao quanh bãi trước mặt, nước dâng trắng mênh mông.

c) Những chú dế bị sặc nước bò ra khỏi tổ.

d) Những kiến trúc sư thiết kế công trình đang miệt mài làm việc.

Câu 3. (2,0 điểm) Viết lại mỗi câu sau đây thành câu theo hai cách khác nhau:

a) Những người ngư dân vẫn vượt sóng ra khơi ấy

b) Mặc dù tàu Trung Quốc hung hăng đâm vào tàu cảnh sát biển Việt Nam

Câu 4. (2,5 điểm)

Trong bài “Bác ơi!”, nhà thơ Tố Hữu có viết:

“Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già.”

Qua đoạn văn trên, em hiểu được nét đẹp gì trong cuộc sống của Bác Hồ kính yêu?

Câu 5. Em hãy tả lại cảnh vật thiên nhiên và con người mỗi dịp tết đến xuân về.

Đáp án:

Phần I. Trắc nghiệm (4 điểm)






1. B

3. D

5. D

7. C

2. C

4. B

6. C

8. A

Phần II. Tự luận (6 điểm)

Câu 1.






Động từ

Tính từ

Quan hệ từ

lau, nhú, đặt

sạch, đầy đặn, hồng hào, rộng

rồi, như, của

Câu 2.

a) 

Trạng ngữ: buổi sớm, ngược hướng chúng bay đi tìm ăn và buổi chiều theo hướng chúng bay về tổ

Chủ ngữ: con thuyền

Vị ngữ: sẽ tới được bờ

b) 

Trạng ngữ 1: Mấy hôm nọ

Chủ ngữ 1: trời

Vị ngữ 1: mưa lớn

Trạng ngữ 2: trên những hồ ao quanh bãi trước mặt

Chủ ngữ 2: nước

Vị ngữ 2: dâng trắng mênh mông

c) 

Chủ ngữ: những chú dế bị sặc nước

Vị ngữ: bò ra khỏi tổ.

d) 

Chủ ngữ: những kiến trúc sư thiết kế công trình

Vị ngữ: đang miệt mài làm việc

Câu 3.

a)

* Cách 1: Bỏ từ.

Những người ngư dân vẫn vượt sóng ra khơi.

* Cách 2: Thêm vị ngữ.

VD: Những người ngư dân vẫn vượt sóng ra khơi ấy đã góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

b)

* Cách 1: Bỏ từ.

Tàu Trung Quốc hung hăng đâm vào tàu cảnh sát biển Việt Nam.

* Cách 2: Thêm Chủ ngữ , vị ngữ.

VD: Mặc dù tàu Trung Quốc hung hăng đâm vào tàu cảnh sát biển Việt Nam nhưng các chiến sĩ vẫn bình tĩnh, tránh va chạm, khiêu khích.

Câu 4. 

Học sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, song cần nêu được các ý cơ bản sau:

* Về hình thức : Học sinh trình bày cảm nhận những nét đẹp cuộc sống Bác Hồ dưới hình thức một đoạn văn, diễn đạt mạch lạc, rõ ràng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

* Về kiến thức:

– Giới thiệu khái quát xuất xứ đoạn thơ: Đoạn thơ trên trong bài thơ “Bác ơi!” của nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi cuộc sống đẹp của Bác Hồ.

– Nhà thơ so sánh cuộc sống của Bác như “trời đất của ta”. Bác vừa cao cả, vĩ đại mà cũng gần gũi, thân thương. 0,25 đ

– Bác có một tình yêu thương bao la rộng lớn. Đó là tình yêu đất nước, thiên nhiên, yêu nhân loại cần lao, yêu trẻ em, người già và yêu cả “từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa”.

– Tình yêu thương của Bác là tình yêu thương thiết thực, là sự ân cần, quan tâm với tất cả mọi người. Đặc biệt với trẻ thơ, với các cụ già “Sữa để em thơ, lụa tặng già”.

– Cuộc sống của Bác là cuộc sống vì hạnh phúc của con người. Bác hy sinh cả cuộc đời vì cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho “mỗi người nô lệ”, cho hạnh phúc của nhân dân.

Câu 5. Gợi ý dàn bài

Bài văn của học sinh cần đạt những yêu cầu cơ bản sau đây:

1) Mở bài: Giới thiệu khái quát tâm trạng, cảm xúc về mùa xuân, về cảnh vật, con người khi tết đến, xuân về.

2) Thân bài :

a) Tết đến xuân về mang lại vẻ đẹp, khơi dậy sức sống cho thiên nhiên đất trời: Xuân về là thay đổi cảnh vật thiên nhiên:

– Bầu trời: cao hơn, rộng hơn sau những ngày đông âm u, lạnh giá

– Mặt đất: tràn đầy nhựa sống,…

– Không khí: ấm áp

– Mưa xuân: lất phất, dịu dàng/ (Hoặc: Nắng xuân: ấm áp chiếu xuống vạn vật như muốn đánh thức tất cả…)

+ Mùa xuân về làm cho mọi vật được sinh sôi nảy nở:

– Cây cối: đâm chồi nẩy lộc, trỗi dậy những mầm xanh tươi non…

– Hoa: sắc màu rực rỡ của muôn hoa của đào, mai ngày tết…..

– Chim chóc: ca vang,… từng đàn én rộn ràng bay liệng trên bầu trời…

– Không gian: chan hoà hương thơm, rực rỡ sắc màu và rộn rã âm thanh.

b) Tết đến xuân về mang lại niềm vui cuộc sống của con người.

+ Cảnh đoàn tụ, sum họp trong mỗi gia đình sau một năm bận rộn với bao công việc.

+ Không khí mọi người tất bật, niềm vui hân hoan đón tết, xuân về: đường sá như đông hơn, cảnh mua sắm, trang hoàng nhà cửa…

+ Niềm vui của trẻ thơ khi tết đến xuân về: được mặc áo mới, được đi chợ tết du xuân, được mừng tuổi…

3) Kết bài : Nêu cảm nghĩ và tình yêu của mình về mùa xuân.

(Ai cũng yêu mùa xuân. Mùa xuân đã gieo vào lòng người mơ, hy vọng, về một ngày mai tốt đẹp. Mùa Xuân sẽ mãi trong lòng mọi người.)

Đề thi vào lớp 6 môn tiếng Việt – Đề số 5

Câu 1. (3 điểm) Cho các từ sau:

Anh em, vấp váp, xe điện, ăn mặc, nhức nhối, cửa sông, tướng tá, cây bưởi, vuông vắn, bút chì, non nước, ngay ngắn.

Em hãy chỉ ra trong các từ đó, những từ nào là:

a. Từ ghép tổng hợp

b. Từ ghép phân loại

c. Từ láy

Câu 2. (2 điểm)

Với mỗi từ dưới đây, hãy đặt một câu theo nghĩa gốc và một câu theo nghĩa chuyển.

a. Tay

b. Xuân

Câu 3. (2 điểm)

Em hãy xác định các bộ phận của các câu văn sau:

a. Trên nền cát trắng tinh, nơi ngực cô Mai tì xuống đón đường bay của giặc, mọc lên những bông hoa tím.

b. Trưa, nước biển xanh lơ và khi chiều tà, biển đổi sang màu xanh lục.

Câu 4. (2 điểm)

Viết lại các câu sau:

a. Đi qua vườn nhà bác Minh, thấy có nhiều cây nhãn.

b. Bạn Nga, lớp trưởng lớp tôi.

Câu 5. (4 điểm)

Viết về người mẹ, nhà thơ Trương Nam Hương có những câu thơ sau:

“Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao”.

Theo em, khổ thơ trên đă bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ gì của tác giả về người mẹ của mình? Hãy viết đoạn văn diễn tả tình cảm đó.

Câu 6. Trong 5 năm ở Tiểu học, em đã được học nhiều thầy (cô) giáo. Hãy kể một kỉ niệm làm em xúc động và nhớ mãi về tình thầy trò.

Đáp án

Câu 1. 

a. Từ ghép tổng hợp: anh em, ăn mặc, tướng tá, non nước.

b. Từ ghép phân loại: xe điện, cửa sông, cây bưởi, bút chì.

c. Từ láy: ngay ngắn, vấp váp, nhức nhối, vuông vắn.

Câu 2.

a. Tay

  • Nghĩa gốc: Cô ấy có bàn tay búp măng (Tay: bộ phận trên cơ thể người).

  • Nghĩa chuyển: Nam là tay trống cự phách trong đội nghi thức của trường tôi. (Tay: người đánh trống, (thành viên)).

b. Xuân

Nghĩa gốc: Mùa xuân đến, trăm hoa đua nở. (Xuân: một mùa trong năm)

Nghĩa chuyển: Cô ấy đã đến đây 5 xuân rồi! (xuân: 1 năm)

Câu 3.

a. 

Trạng ngữ: Trên nền cát trắng tinh

Chủ ngữ 1: những bông hoa tím

Vị ngữ 1: nơi ngực cô Mai tì xuống đón đường bay của giặc

Vị ngữ 2: mọc lên

b.

Trạng ngữ 1: trưa

Chủ ngữ 1: nước biển

Vị ngữ 1: xanh lơ

Trạng ngữ 2: khi chiều tà

Chủ ngữ 2: biển

Vị ngữ 2: đổi sang màu xanh lục

Câu 4.

a. Thiếu chủ ngữ

Sửa lại: Khi đi qua vườn nhà bác Minh, em thấy có nhiều cây nhăn.

b. Thiếu vị ngữ

Sửa lại:

Bạn Nga là lớp trưởng lớp tôi.

Hoặc: Bạn Nga, lớp trưởng lớp tôi, học rất giỏi.

Câu 5.

  • Nội dung: nêu bật được những suy nghĩ, cảm xúc của nhà thơ về mẹ qua khổ thơ

  • Nỗi xúc động đến nôn nao khi ngắm nhìn những sợi tóc bạc trắng theo thời gian trên mái đầu mẹ.

  • Hình ảnh đối lập: “Lưng mẹ cứ còng dần xuống – Cho con ngày một thêm cao” bộc lộ ḷòng biết ơn sâu sắc của tác giả đối với sự hy sinh thầm lặng của mẹ.

  • Đó là những suy nghĩ chân thành, sâu sắc của một người con gửi đến mẹ. Nhà thơ đă nói hộ nỗi ḷng của nhiều người con bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh, nghệ thuật nhân hoá, cùng hình ảnh đối lập giàu giá trị.

Câu 6. Dàn ý:

A. Mở bài: Giới thiệu về câu chuyện và nhân vật: Câu chuyện diễn ra vào bao giờ? Với thầy cô nào? Đã dạy em năm lớp mấy?

B. Thân bài: Kể diễn biến chi tiết kỉ niệm với thầy (cô) giáo của em.

  • Có thể xây dựng nhiều cốt truyện với các tình huống khác nhau nhưng cần làm nổi bật tình thầy tṛò cao cả: sự quan tâm, dạy bảo ân cần của thầy (cô) với em và bộc lộ lòng biết ơn của em với thầy (cô) giáo.

  • Xây dựng lời thoại giữa các nhân vật kết hợp với lời kể của người kể chuyện.

  •  Trong khi kể có thể miêu tả về nhân vật, xen lẫn bộc lộ cảm xúc

C. Kết bài: • Nêu kết thúc câu chuyện và tình cảm của em với thầy (cô) giáo.

Đề thi tiếng Việt vào lớp 6 – Đề số 6

Câu 1. (1,0 điểm)

Các từ ngữ trong mỗi nhóm dưới đây có đặc điểm chung gì?

a) Mênh mông, lộp độp, mềm mại, rào rào.

b) Nhi đồng, trẻ em, thiếu nhi, con trẻ.

c) Cánh buồm, cánh chim, cánh diều, cánh quạt.

d) Đồng nội, đồng hành, đồng tiền, trống đồng.

Câu 2. (1,0 điểm)

Điền các từ tài đức, tài hoa, tài năng, tài trí vào chỗ trống sao cho thích hợp:

a. Chúng ta cần phát hiện và bồi dưỡng những…… trẻ cho đất nước.

b. Em sẽ cố gắng để trở thành một người…. vẹn toàn.

c. Cách đối đáp của Giang Văn Minh khi đi sứ Trung Quốc cho thấy ông là người ….

d. Chúng tôi trầm trồ trước những nét chạm trổ……

Câu 3. (3,0 điểm) Đọc kĩ hai khổ thơ sau và trả lời câu hỏi:

Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao

 

Mẹ ơi trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa.

(Trương Nam Hương, Trong lời mẹ hát, Tiếng Việt lớp 5 – tập 2)

a. Em hiểu thế nào về nghĩa của từ “chạy” trong khổ thơ 1?

b. Viết đoạn văn khoảng 5 – 7 câu nêu cảm nhận của em về hình ảnh người mẹ trong hai khổ thơ trên.

Câu 4. (5,0 điểm)

Niềm mong ước lớn lao nhất trong cuộc đời em là giành giải cao trong các cuộc thi, làm được nhiều việc tốt để bố mẹ vui lòng.

Hãy hình dung và tả lại không khí của gia đình em trong một lần em đạt được ước mơ đó.

Đáp án

Câu 1. 

a) Từ láy

b) Từ đồng nghĩa chỉ trẻ em

c) Từ nhiều nghĩa

d) Từ đồng âm

Câu 2.

a) Tài năng

b) Tài đức

c) Tài trí

d) Tài hoa.

Câu 3.

a) Chạy: diễn tả thời gian trôi đi nhanh.

b) Viết đúng kỹ năng của đoạn văn cảm nhận

Các ý định hướng:

  • Giới thiệu khái quát đoạn thơ.
  • Cảm nhận được tấm lòng biết ơn trước cuộc đời tảo tần lam lũ, đức hi sinh thầm lặng, lớn lao của người mẹ hiền dành cho con.
  • Ngòi bút tài hoa, lời văn cảm động, tình yêu thương kính trọng mẹ vô bờ của tác giả.

Câu 4. Dàn ý

A. Mở bài: Giới thiệu khái quát về một lần em thực hiện được ước mơ.

B. Thân bài:

Tả lại diễn biến cảnh đó:

  • Đi học về, em vui vẻ báo tin cho gia đình biết em đạt học sinh giỏi…

  • Bố: Vui mừng, tự hào, khen…

  • Mẹ: Phấn khởi, xúc động, động viên em…

  • Anh (chị, em): Trêu đùa, động viên.

  • Tả thêm cả hình ảnh con vật nuôi trong gia đình (nếu có) cũng chia vui với em: Chó vẫy đuôi chạy xung quanh, mèo cọ vào tay…

C. Kết bài (1 điểm)

  • Suy nghĩ, tình cảm của em (vui, tự hào, sung sướng khi thấy gia đình vui vẻ…)

  • Tự hứa sẽ cố gắng thật nhiều để luôn mang lại niềm vui cho gia đình.

Đề thi thử vào lớp 6 môn tiếng Việt – Đề số 7

Câu 1. (2 điểm)

Xác định trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ của mỗi câu sau:

a) Ánh trăng trong trẻo chảy khắp nhành cây kẽ lá, tràn ngập con đường trắng xoá.

b) Đứng trên mui vững chắc của chiếc xuồng máy, người nhanh tay có thể với lên hái được những trái cây trĩu quả xuống từ hai phía cù lao.

Câu 2. (2 điểm)

Đọc kỹ đoạn văn sau:

“Chú chuồn chuồn nước tung cánh bay vọt lên. Cái bóng chú nhỏ xíu lướt nhanh trên mặt hồ. Mặt hồ trải rộng mênh mông và lặng sóng.”

a) Em hãy tìm và chỉ ra từ ghép, từ láy trong đoạn văn trên.

b) Em hãy tìm và chỉ ra danh từ, động từ trong đoạn văn trên.

Câu 3. (1 điểm)

Học sinh chép lại và điền dấu câu thích hợp cho đoạn thơ sau:

Mẹ gà hỏi con

Ngủ chưa đấy hả

Cả đàn nhao nhao

Ngủ rồi đấy ạ

Câu 4. (5 điểm) Cơn mưa giông vừa dứt cũng là lúc ngày khép lại. Vầng trăng lên, đêm mở ra. Cảnh vật đẹp lung linh dưới ánh trăng. Hãy tả lại khung cảnh đó và phát biểu cảm nghĩ của em.

Đáp án

Câu 1. 

a)

Chủ ngữ 1: Ánh trăng trong trẻo

Vị ngữ 1: chảy khắp nhành cây kẽ lá

Vị ngữ 2: tràn ngập con đường trắng xoá

b)

Trạng ngữ: Đứng trên mui vững chắc của chiếc xuồng máy

Chủ ngữ: người nhanh tay

Vị ngữ: có thể với lên hái được những trái cây trĩu quả xuống từ hai phía cù lao

Câu 2. (2 điểm)

a) Từ ghép: chuồn chuồn nước, tung cánh, vọt lên, cái bóng, nhỏ xíu, lướt nhanh, mặt hồ, mặt hồ, trải rộng, lặng sóng.

Từ láy: mênh mông

b) Danh từ: chú, chuồn chuồn nước, cái bóng, chú, mặt hồ, mặt hồ. (0,5 điểm)

Động từ: tung cánh, bay, vọt lên, lướt nhanh, trải rộng. (0,5 điểm)

Câu 3.

Mẹ gà hỏi con:

– Ngủ chưa đấy hả?

Cả đàn nhao nhao:

– Ngủ rồi đấy ạ!

Câu 4. Dàn ý:

A. Mở bài: Giới thiệu cảnh định tả: Cảnh đẹp đêm trăng khi cơn mưa giông vừa dứt. Cảm xúc chung của em về cảnh đó.

B. Thân bài: 

  • Thời gian: Ngày khép lại, đêm mở ra. 

  • Không gian: cảnh ướt đẫm bởi mưa chiều và đêm dần mở ra để rồi cảnh vật đắm mình dưới trăng.

  • Tập trung miêu tả sự thay đổi và vẻ đẹp của cảnh vật trong sự chuyển hóa của đất trời và đặc biệt là vẻ đẹp của ánh trăng.

  • Cảm nghĩ phải chân thật sâu sắc và có chiều sâu cảm xúc.

  • Có thể sử dụng một số biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ… để cảnh được miêu tả cụ thể hơn, sinh động và gợi sự liên tưởng.

C. Kết bài: Cảm xúc của em về khung cảnh đó.

Đề thi tiếng việt vào lớp 6 – Đề số 8

Phần 1: Đọc hiểu

Sông Hương

Sông Hương có chiều dài tới tận 80km, riêng đoạn chảy qua Huế từ Bằng Lãng đến cửa Thuận An dài 30km. Đoạn sông chảy qua Huế uốn lượn như sự sắp đặt của tự nhiên nhằm tôn tạo thêm vẻ kiều diễm cho thành phố Huế. Sông Hương là quà tặng vô giá mà tạo hóa đã dành riêng cho miền đất này. Con sông này là yếu tố có tính quyết định để người xưa chọn Huế làm kinh đô – là nơi hội tụ của cảnh quan và di sản văn hóa.

Từ ngã ba Bằng Lãng, sông Hương chảy nhẹ nhàng, chậm rãi qua các làng mạc trù phú của vùng ngoại vi Huế, đi sâu vào giữa lòng thành phố, rồi tiếp tục uốn lượn qua các miền quê ở hạ lưu trước khi đổ ra biển. Thành quách, lầu xá, những công trình kiến trúc hai bên bờ soi hình bóng xuống dòng sông, đẹp tựa như bức tranh phong thủy hữu tình. Người ta thường ví dòng sông Hương duyên dáng như cô gái Huế e ấp nụ cười dưới vành nón lá. Màu trắng bạc của sông càng tô điểm hơn khi chiếc cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương.

[…] Sông Hương dẫn đường xuôi dòng nước đưa du khách đến thăm vẻ đẹp miệt vườn Vỹ Dạ với vườn hoa thảm cỏ xanh mướt. Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngược dòng lên Thiên Mụ thả hồn phiêu diêu theo tiếng chuông chùa văng vẳng. Từ chùa, bạn có thể ngắm toàn diện sắc đẹp của Hương giang như chiếc áo thiếu nữ mấy lần đổi thay màu sắc trong ngày.

Câu 1: Khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng.

1. Dòng sông Hương chảy qua Huế có chiều dài bao nhiêu km? (0,5 điểm)

A. 40km

B. 80km

C. 30km

D. 60km

2. Theo đoạn văn, sông Hương chảy qua những nơi nào trước khi đổ ra biển? (0, 5 điểm)

A. Từ ngã ba Bằng Lãng chảy qua trung tâm thành phố Huế rồi chảy ra biển.

B. Từ ngoại ô thành phố Huế, chảy qua các miền quê ở hạ lưu rồi chảy ra biển.

C. Từ ngã ba Bằng Lãng chảy qua các huyện của Huế, qua các khu rừng rậm rồi chảy ra biển.

D. Từ ngã ba Bằng Lãng chảy qua các làng mạc trù phú ở ngoại vi Huế, đi sâu vào giữa lòng thành phố, chảy qua các miền quê ở hạ lưu rồi đổ ra biển.

3. Cây cầu được bắc ngang qua sông Hương tên gì? (0,5 điểm)

A. Cầu Tràng Tiền

B. Cầu Nhật Lệ

C. Cầu Rồng

D. Cầu Phú Mỹ

Câu 2: Gạch chân dưới từ Hán Việt có trong câu sau và giải nghĩa nó (1 điểm):

“Từ chùa, bạn có thể ngắm toàn diện sắc đẹp của Hương giang như chiếc áo thiếu nữ mấy lần đổi thay màu sắc trong ngày”.

Câu 3: Em hãy gạch chân dưới quan hệ từ có trong câu sau (0,5 điểm):

“Từ ngã ba Bằng Lãng, sông Hương chảy nhẹ nhàng, chậm rãi qua các làng mạc trù phú của vùng ngoại vi Huế, đi sâu vào giữa lòng thành phố, rồi tiếp tục uốn lượn qua các miền quê ở hạ lưu trước khi đổ ra biển”.

Phần 2: Luyện từ và câu

Câu 1: (1 điểm)

a. Tìm 3 cặp từ trái nghĩa về chủ đề con người.

b. Chọn 1 trong 3 cặp từ vừa tìm được và đặt câu với từ đó.

Câu 2: Liệt kê các nghĩa của từ “đậu” trong câu dưới đây (1 điểm):

Một chú ruồi đang đậu trên rổ đậu đỏ mà mẹ em chuẩn bị để nấu xôi mừng chị gái thi đậu đại học.

Câu 3: Viết thêm vế câu còn lại để tạo nên các câu ghép (1 điểm)

a. Hễ trời mưa to _______________________________________________________

b. __________________________________________ thì em đã được đi bơi với bạn.

Phần 3: Tập làm văn (4 điểm)

Em hãy tả một người bạn thân của mình.

Đáp án

Phần 1: Đọc hiểu

Câu 1:

1. C

2. D

3. A

Câu 2:

Gạch chân dưới từ Hán Việt: “Từ chùa, bạn có thể ngắm toàn diện sắc đẹp của Hương giang như chiếc áo thiếu nữ mấy lần đổi thay màu sắc trong ngày”.

→ Giải nghĩa: “giang” có nghĩa là dòng sông.

Câu 3:

Gạch chân dưới quan hệ từ: “Từ ngã ba Bằng Lãng, sông Hương chảy nhẹ nhàng, chậm rãi qua các làng mạc trù phú của vùng ngoại vi Huế, đi sâu vào giữa lòng thành phố, rồi tiếp tục uốn lượn qua các miền quê ở hạ lưu trước khi đổ ra biển”.

Phần 2: Luyện từ và câu

Câu 1:

a. 3 cặp từ trái nghĩa về con người: chăm chỉ – lười biếng, hiền lành – độc ác, cao – thấp, béo – gầy…

b. Đặt câu: Cô Tấm rất chăm chỉ và hiền lành, còn Cám thì lười biếng và độc ác.

Câu 2: Nghĩa của các từ “đậu”:

  • Từ “đậu” thứ nhất: là động từ, chỉ hành động hạ cánh, đáp xuống của chú ruồi.

  • Từ “đậu” thứ hai: là danh từ, chỉ một loại thực vật.

  • Từ “đậu” thứ ba: là động, chỉ đã đạt được một kết quả tốt.

Câu 3:

a. Hễ trời mưa to thì mực nước sông lại dâng lên cao.

b. Nếu trời không mưa to thì em đã được đi bơi với bạn.

Phần 3: Tập làm văn

Dàn ý chi tiết:

1. Mở bài: Giới thiệu về người bạn thân mà em muốn tả.

2. Thân bài:

– Tả khái quát:

+ Bạn ấy có biệt danh là gì? Năm nay bao nhiêu tuổi? Đang học ở đâu?

+ Bạn ấy có chiều cao, cân nặng khoảng bao nhiêu? Thân hình như thế nào?

– Tả chi tiết:

+ Tả các bộ phận tiêu biểu, làm em ấn tượng ở bạn ấy (mái tóc, màu da, khuôn mặt, đôi mắt, bàn tay…)

+ Bạn ấy thường mặc trang phục như thế nào?

+ Sở thích, thần tượng, môn học… yêu thích và chán ghét của bạn ấy là gì?

+ Bạn ấy có tính cách như thế nào? (nêu dẫn chứng cụ thể)

– Kể một kỷ niệm đặc biệt giữa em và bạn ấy.

3. Kết bài

– Tình cảm của em dành cho bạn ấy.

– Em mong muốn tình bạn của cả 2 sẽ như thế nào?

Xem thêm:

Đề thi vào lớp 6 môn tiếng Việt – Đề số 9

Câu 1: Xếp các từ trong đoạn thơ sau đúng theo loại từ (3.5 điểm)

Thuyền ta chầm chậm vào

Ba Bể Núi dựng cheo leo, hồ lặng im

Lá rừng với gió ngân se sẽ

Họa tiếng lòng ta với tiếng chim.

(Theo Hoàng Trung Thông)

Danh từ:…………………………………………………………………………………..

Động từ:…………………………………………………………………………………..

Đại từ:…………………………………………………………………………………….

Tính từ:……………………………………………………………………………………

Quan hệ từ:……………………………………………………………………………….

b) Từ họa trong câu thơ Họa tiếng lòng ta với tiếng chim có nghĩa là gì?

Bài 2 (4 điểm)

Tôi có một người bạn đồng hành quý báu từ ngày tôi là một đứa bé 11 tuổi. Đó là chiếc áo sơ mi vải Tô Châu, dày mịn, màu cỏ úa.

Chiếc áo sờn vải của ba dưới bàn tay vén khéo của mẹ đã trở thành cái áo Xinh Xinh, trông rất oách của tôi.

[…] Mặc áo vào, tôi có cảm giác như vòng tay ba mạnh mẽ và yêu thương đang ôm lấy tôi, tôi như được dựa vào lồng ngực ấm áp của ba…

[…] Ba đã hi sinh trong một lần đi tuần tra biên giới, chưa kịp thấy tôi chững chạc như một anh lính tí hon trong cái áo mẹ chữa lại từ chiếc quần âu phục cũ của ba.

(Theo Phạm Lê Hải Châu)

  1. Viết lại các từ láy có trong phần văn bản trên
  2. Chỉ ra phép liên kết câu có trong hai câu đầu của văn bản trên
  3. Chủ ngữ trong câu Đó là chiếc áo sơ mi vải Tô Châu, dày mịn, màu cỏ úa là gì?
  4. Theo em, dấu ba chấm (…) nằm ở cuối câu Mặc áo vào, tôi có cảm giác như vòng tay ba mạnh mẽ và yêu thương đang ôm lấy tôi, tôi như được dựa vào lồng ngực ấm áp của ba… thể hiện tình cảm của nhân vật tôi như thế nào?

Bài 3. (3 điểm)

… Đi qua thời ấu thơ

Bao điều bay đi mất

Chỉ còn trong đời thật

Tiếng người nói với con

 

Hạnh phúc khó khăn hơn

Mọi điều con đã thấy

Nhưng là con giành lấy

Từ hai bàn tay con.

(Theo Vũ Đình Mạnh)

  1. Em hãy giải nghĩa từ bay trong đoạn thơ trên. Cho biết từ này mang nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?
  2. Đoạn thơ trên là lời tâm sự của ai với người con? Em hiểu như thế nào về ý nghĩa của câu thơ “Hạnh phúc khó khăn hơn”?

Bài 4. (4.5 điểm)

Tôi yêu truyện cổ nước tôi

Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa

Thương người rồi mới thương ta

Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm

Ở hiền thì lại gặp hiền

Người ngay thì được phật, tiên độ trì.

 

[…] Đời cha ông với đời tôi

Như con sông với chân trời đã xa

Chỉ còn truyện cổ thiết tha

Cho tôi nhận mặt ông cha của mình.

[…] Tôi nghe truyện cổ thầm thì

Lời ông cha dạy cũng vì đời sau.

  1. Những đoạn thơ trên nằm trong bài thơ tên gì? Của tác giả nào?
  2. Bài thơ trên gợi cho em nhớ tới những truyện cổ Việt Nam nào?
  3. Câu thơ “Ở hiền thì lại gặp hiền” gợi cho em nghĩ tới câu tục ngữ nào?
  4. Từ những đoạn thơ trên, em hãy viết một đoạn văn diễn tả cảm nhận về bài thơ và ý nghĩa của việc đọc truyện cổ nước mình.

Đáp án

Bài 1

a. Phân loại các từ có trong đoạn thơ:

  • Danh từ: thuyền, Ba Bể, núi, hồ, lá rừng, gió, tiếng lòng, tiếng chim

  • Động từ: vào, dựng, ngân, họa

  • Tính từ: chầm chậm, cheo leo, lặng im, se sẽ (0.5 đ)

  • Đại từ: ta

  • Quan hệ từ: với

b. Từ họa trong câu thơ Họa tiếng lòng ta với tiếng chim có nghĩa là hòa chung (hòa vào) một nhịp, hưởng ứng.

Bài 2. 

1. Các từ láy có trong văn bản: xinh xinh, mạnh mẽ, ấm áp, chững chạc 

2. Các phép liên kết câu có trong hai câu đầu của văn bản: phép thế.

3. Chủ ngữ trong câu “Đó là chiếc áo sơ mi vải Tô Châu, dày mịn, màu cỏ úa.” là: Đó

4. Trong câu văn Mặc áo vào, tôi có cảm giác như vòng tay ba mạnh mẽ và yêu thương đang ôm lấy tôi, tôi như được dựa vào lồng ngực ấm áp của ba…, dấu ba chấm thể hiện:

– Tình cảm yêu thương của cha dành cho con và nỗi xúc động nghẹn ngào của con không thể diễn đạt hết bằng lời.

– Hơi ấm từ chiếc áo và lồng ngực ấm áp của ba như truyền sang cho con mãi mãi.

– Hình ảnh người cha mạnh mẽ luôn là niềm tự hào in đậm trong trái tim của người con.

Bài 3. 

1. Giải nghĩa từ bay: đi qua/ trôi qua/ biến mất / lùi dần vào quá khứ.

Từ bay trong đoạn thơ mang nghĩa chuyển.

2. Gợi ý trả lời:

– Đoạn thơ là lời tâm sự của người cha đối với con.

– Ý thơ Hạnh phúc khó khăn hơn học sinh có thể hiểu:

+ Thời ấu thơ, trẻ em được sống trong thế giới thần tiên đẹp đẽ… trong sự yêu thương bao bọc của mọi người.

+ Đi qua thời ấu thơ, cuộc sống đời thực có nhiều thử thách, hạnh phúc có được phải do chính hai bàn tay con tạo dựng nên (lao động, ý chí, nghị lực, niềm tin).

Khuyến khích những học sinh có ý thức phát hiện những đặc điểm nghệ thuật của văn bản.

Bài 4. 

1. Bài thơ Truyện cổ nước mình (0.25 đ)

Tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ (0.25 đ)

2. Bài thơ trên gợi cho em nhớ tới những truyện cổ Việt Nam: Tấm Cám, Đẽo cày giữa đường, Cây khế,…

3. Câu tục ngữ: Ở hiền gặp lành.

4. Gợi ý trả lời:

Học sinh cảm nhận được niềm tự hào của tác giả về kho tàng truyện cổ Việt Nam.

Học sinh cảm nhận được những bài học ý nghĩa từ truyện cổ: phẩm chất tốt đẹp, lời răn dạy quý báu của cha ông truyền cho đời sau.

Việc đọc truyện cổ có ý nghĩa: giúp cho người đọc hình dung được cuộc sống của cha ông ngày xưa (0.5 đ), hiểu và làm theo lời khuyên dạy quý báu của cha ông.

Đề thi tiếng việt vào lớp 6 – Đề số 10

Câu 1. (3 điểm)

(…) Mầm non vừa nghe thấy

Vội bật chiếc vỏ rơi

Nó đứng dậy giữa trời

Khoác áo màu xanh biếc.

(Mầm non, Võ Quảng)

a. Trình bày nội dung của khổ thơ trên bằng một câu văn.

b. Trong khổ thơ trên, tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó?

c. Từ “mầm non” trong dòng thơ đầu tiên được sử dụng với nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Đặt một câu với từ “mầm non” được dùng theo nghĩa chuyển.

Câu 2. (1 điểm) Phân tích cấu tạo ngữ pháp của các câu dưới đây và cho biết câu nào là câu đơn, câu nào là câu ghép?

a. Dưới gốc tre, tua tủa những mầm măng.

b. Dọc theo bờ vịnh Hạ Long, trên bến Đoan, bến Tàu hay cảng Mới, những đoàn thuyền đánh cá rẽ màn sương bạc nối đuôi nhau cập bến, những cánh buồm ướt át như cánh chim trong mưa.

Câu 3. (1 điểm)

Điền các cặp từ trái nghĩa vào chỗ trống để hoành thành các câu ca dao, tục ngữ sau:

a. Trống đánh…….. kèn thổi………

b. Khi vui muốn……. buồn tênh lại…….

c. Bóc…… cắn…….

d. Tháng năm chưa nằm đã………

Tháng mười chưa cười đã……………….

Câu 4. (5 điểm) Em hãy viết một bài văn miêu tả một cơn mưa rào.

Đáp án

Câu 1.

a. Khổ thơ miêu tả sự trỗi dậy, vươn lên của mầm non. 

b. Biện pháp nghệ thuật nhân hóa.

Tác dụng:

  • Dùng những động từ, cụm động từ như nghe, bật, đứng dậy, khoác áo là những hành động của người để tả, kể về mầm non.

  • Thể hiện sự trỗi dậy, vươn lên, bừng nở của chồi non.

  • Mầm non cũng có tâm hồn như con người, mọc lên, vươn ra một cách hào hứng, phấn khởi và đầy hãnh diện để chào đón cuộc đời mới.

c. Từ “mầm non” trong dòng thơ đầu tiên được dùng với nghĩa gốc.

Đặt câu với nghĩa chuyển: 

Thiếu niên, nhi đồng là mầm non của đất nước.

Em Lan đang học ở trường mầm non.

Câu 2.

a. 

Trạng ngữ: Dưới gốc tre 

Chủ ngữ: những mầm măng

Vị ngữ: tua tủa

=> Đây là câu đơn

b.

Trạng ngữ: Dọc theo bờ vinh Hạ Long, trên bến Đoan, bến Tàu hay cảng Mới

Chủ ngữ 1: những đoàn thuyền đánh cá

Vị ngữ 1: rẽ màn sương bạc nối đuôi nhau cập bến

Chủ ngữ 2: những cánh buồm 

Vị ngữ 2: ướt át như cánh chim trong mưa

=> Đây là câu ghép.

Câu 3.

a. Xuôi……ngược.

b. Khóc……cười.

c. Ngắn……dài.

d. Sáng……tối.

Câu 4. Dàn ý

A. Mở bài: Giới thiệu chung về cơn mưa. (Gặp khi nào? Cảm nhận, nhận xét đánh giá khái quát về cơn mưa.)

B. Thân bài: Miêu tả cơn mưa theo trình tự thời gian, không gian.

  • Lúc sắp mưa. (mây, gió, bầu trời, chim chóc, cây cối, con người, đường phố…)

  • Lúc đang mưa. (hạt mưa, nước mưa, gió, cây cối, vỉa hè, đường phố, âm thanh…)

  • Lúc sắp tạnh mưa. (hạt mưa, bầu trời, đám mây, cây cối, âm thanh…)

  • Lúc tạnh hẳn. (bầu trời, đám mây, cây cối, đường phố, con nguời….)

C. Kết bài: Nêu nhận xét hoặc cảm nghĩ của em về cơn mưa.

Những mẹo giúp bé thi vào lớp 6 môn tiếng Việt đạt điểm cao

Một số bí quyết giúp bé làm đề thi tiếng Việt vào lớp 6 đạt kết quả cao có thể kể đến là:

  • Trang bị kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa vững vàng. Đây là nền tảng giúp bé chinh phục mọi dạng bài tập khó khăn.

  • Bố mẹ hỗ trợ con tổng hợp lại kiến thức khoảng 80% rồi bước vào giai đoạn luyện tập giải đề để rèn kỹ năng làm bài thi, bổ sung kiến thức còn thiếu, khắc phục các sai sót khi làm bài.

  • Tránh làm bé bị căng thẳng, áp lực, giúp bé chuẩn bị tâm lý thoải mái.

  • Dạy con cân bằng giữa thời gian học tập và nghỉ ngơi để việc ôn luyện đạt hiệu quả và diễn ra thuận lợi. Sau mỗi giờ học, bé nên dành từ 10 đến 15 phút để giải trí, phục hồi năng lượng.

  • Không ép bé học tràn lan, không đúng trọng tâm.

  • Tìm kiếm tài liệu ôn thi phù hợp, chẳng hạn như các đề thi từ năm trước từ những trường chất lượng cao để học sinh được cọ xát thực tế, từ đó trẻ sẽ định hình được năng lực bản thân, rút kinh nghiệm không mắc phải các lỗi sai thường gặp.

Một phương pháp giúp trẻ tiếp xúc với kiến thức tiếng Việt dễ dàng, không bị nhàm chán chính là học tiếng Việt qua ứng dụng VNguyễn Tất Thành. Đây là ứng dụng dạy tiếng Việt cho trẻ Mầm non và Tiểu học theo chương trình GDPT mới, áp dụng các phương pháp giáo dục hiện đại trong giảng dạy (dạy qua hình ảnh, âm thanh và trò chơi). Nhờ đó mà trẻ sẽ tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn, đồng thời hứng thú hơn trong việc học tập, giúp ba mẹ không phải thúc giục con học mỗi ngày.

Điều đáng nói là VNguyễn Tất Thành có một kho tàng bài giảng rất đồ sộ, phong phú, giúp các em phát triển đầy đủ các kỹ năng như: phát âm, viết – đặt câu chuẩn ngữ pháp, chính tả, kỹ năng đọc hiểu và trí tuệ cảm xúc,… Trong đó bao gồm 112 bài học vần, hơn 700 truyện tranh tương tác, hơn 300 sách nói cùng 1500 câu hỏi tương tác sau truyện và trên 1.000 truyện cổ tích dân gian, thơ, bài học cuộc sống chọn lọc. Chỉ cần 10-15 phút học VNguyễn Tất Thành mỗi ngày, lượng kiến thu bé nhận được sẽ làm hành trang giúp bé hoàn thành đề thi tiếng Việt vào lớp 6 một cách dễ dàng.

Ứng dụng VNguyễn Tất Thành giúp xây dựng nền tảng tiếng Việt vững chắc cho trẻ. (Ảnh: Nguyễn Tất Thành)

Video giới thiệu ứng dụng VNguyễn Tất Thành.

Mong rằng tuyển tập các đề thi thử vào lớp 6 môn tiếng Việt được chia sẻ trên đã giúp các em học sinh có thêm nhiều gợi ý ôn luyện cho kì thi sắp tới. Nhìn chung, kiến thức của các phần trắc nghiệm và tự luận đều phân bổ xuyên suốt chương trình học. Do đó, các em hãy nắm vững nội dung cơ bản để làm bài tốt hơn nhé!





Ứng dụng VNguyễn Tất Thành – Dạy Trẻ Học Giỏi Tiếng Việt Và Xây Dựng Nhân Cách Đạo Đức Tốt.

0 ( 0 bình chọn )

Nguyễn Tất Thành

https://truongnguyentatthanh.edu.vn
Nguyễn Tất Thành - Nơi chia sẻ kiến thức chuyên sâu trong các lĩnh vực từ giáo dục, văn hóa đến kỹ năng phát triển bản thân. Với các bài viết chất lượng, Nguyễn Tất Thành cung cấp nền tảng vững chắc cho người đọc muốn nâng cao hiểu biết và kỹ năng. Khám phá thông tin hữu ích và học hỏi từ những chuyên gia đầu ngành để hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

Ý kiến bạn đọc (0)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm