- Dàn ý bài tập làm văn lớp 4 tả cây bóng mát
- Phần mở bài: Giới thiệu chung
- Phần thân bài: Miêu tả chi tiết
- Phần kết bài: Cảm nhận
- Bài mẫu tập làm văn lớp 4 tả cây bóng mát
- Một số bài viết tả cây bóng mát ngắn gọn đơn giản
- Bài số 1: Tả cây lộc vừng trong sân nhà
- Bài số 2: Tả cây bàng trước nhà
- Bài số 3: Tả cây sấu
- Bài số 4: Tả cây phượng
- Các bài văn mẫu tả cây bóng mát chi tiết
- Bài số 1: Tả cây sấu trong sân trường
- Bài 2: Tả cây sấu trên những con phố
- Bài số 3: Tả cây bàng
- Bài số 4: Tả cây đa trong sân đình
- Bài số 5: Tả cây đa làng em
- Bài số 6: Tả cây si
- Bài số 7: Tả cây bằng lăng
- Bài số 8: Tả cây me tây
- Bài số 9: Tả cây xà cừ
- Bài số 10: Tả cây hoa gạo
Để làm tốt bài tập làm văn lớp 4 tả cây bóng mát, các con cần nắm được cách lên dàn ý cho 3 phần và cách diễn đạt, trình bày trong từng phần đó. Bài viết này sẽ giúp ba mẹ hiểu rõ cách làm qua hướng dẫn lập dàn ý kèm bài mẫu để hướng dẫn con học dễ dàng hơn.
- Bảng chữ cái tiếng Nga: Cách đọc và phiên âm tiếng Việt
- Những điều cần biết về tivi tích hợp DVB – T2
- Cách nạp thẻ Garena nhanh chóng, an toàn, chiết khấu cao
- Tổng hợp bài tập tiếng Anh hè lớp 4 lên 5 (có đáp án) & gợi ý nguồn học chất lượng, miễn phí!
- Oppo chính thức ra mắt F5 Youth, phiên bản rút gọn của F5, giá 6,2 triệu
Dàn ý bài tập làm văn lớp 4 tả cây bóng mát
Nhằm giúp các con trình bày, diễn đạt rõ ràng và không bị trùng lặp ý trong toàn bộ bài văn, Nguyễn Tất Thành sẽ hướng dẫn con cách lập dàn ý 3 phần: Mở bài, thân bài, kết bài để xác định rõ nội dung cần có trong bài viết.
Bạn đang xem: 40+ Bài tập làm văn Lớp 4 tả cây bóng mát ngắn gọn hay nhất
Phần mở bài: Giới thiệu chung
Giới thiệu cây yêu thích (Gián tiếp hoặc trực tiếp)
-
Loài cây em yêu thích là gì? Vì sao?
-
Cây được trồng ở đâu? Do ai trồng?
-
Cây được trồng vào lúc nào?
Phần thân bài: Miêu tả chi tiết
A. Tả bao quát
Trông từ xa cây như thế nào?
Về hình dáng của cây:
-
Cây cao/ thấp, lớn/ nhỏ như thế nào? Có thể so sánh với 1 vật gần gũi với chúng ta.
-
Tả chi tiết từng bộ phận: Thân cây có to không? Có điểm gì đặc biệt? (nhẵn hay xù xì)? Tán lá như thế nào?
B. Tả chi tiết các bộ phận nhỏ
-
Lá: Hình dáng, màu sắc của lá như thế nào? (Lá non, lá trưởng thành, lá già hoặc khi chuyển mùa)
-
Hoa: Hình dáng, màu sắc, mùi hương của hoa như thế nào? Nụ hoa, cánh hoa có điểm gì đặc biệt không?
-
Quả: Mô tả màu sắc, hình dáng, mùi vị của quả khi quả non, quả già, quả chín.
-
Vỏ cây: Vỏ cây có đặc điểm gì nổi bật? (Xù xì hay nhẵn nhụi, láng bóng hay khô rát,…)
-
Rễ cây: To hay nhỏ, có ngoằn ngoèo hay uốn lượn không, có nhô lên mặt đất không?
C. Tả bổ sung
-
Ý nghĩa, vai trò của cây đối với cuộc sống của người ở đó.
-
Những câu chuyện, kỷ niệm của em liên quan đến nơi nghỉ mát đặc biệt này.
-
Khung cảnh xung quanh cái cây đó như: Chim chóc, mưa gió, thời gian, con người, nêu lý do vì sao đó là nơi nghỉ chân mát mẻ yêu thích của em và mọi người.
Phần kết bài: Cảm nhận
Bài mẫu tập làm văn lớp 4 tả cây bóng mát
Nhằm giúp các con hiểu cách triển khai nội dung theo dàn ý mẫu, Nguyễn Tất Thành đã sưu tầm và chia sẻ một số bài viết mẫu trong phần này. Ba mẹ cùng theo dõi và hướng dẫn bé viết bài của mình nhé!
Một số bài viết tả cây bóng mát ngắn gọn đơn giản
Dưới đây là một số bài mẫu ngắn gọn để bé làm quen với lối văn tả cây cối và cảnh vật xung quanh.
Bài số 1: Tả cây lộc vừng trong sân nhà
Hồi em còn nhỏ xíu, bố đã trồng một cây lộc vừng ở góc sân. Lúc ấy, cây chỉ cao đến đầu gối của bố. Ấy vậy mà bây giờ cây đã cao lớn, tỏa bóng rợp cả một góc sân.
Xem thêm : Dạy nhảy Hiphop cho trẻ em: Nâng cao thể chất – Phát triển tinh thần
Cây lộc vừng cao khoảng chừng gần 7m, vừa vặn chạm qua lan can của tầng hai nhà em. Thân cây to gần bằng cái cột nhà, mọc thẳng tắp. Lớp vỏ của thân cây sần sùi, thô ráp, nhưng vẫn nguyên vẹn, không bị nứt ra như cây bàng ở trường. Từ thân cây mọc ra ba cành lớn. Chúng xòe ra ba hướng khác nhau, tạo nên một khoảng trống ở chính giữa. Từ đó, những cành con bắt đầu mọc ra rất nhiều, tạo thành cái mái hình vòm. Cái mái ấy được lợp bằng những chiếc lá to như bàn tay em bé, hơi dài màu xanh. Cũng như cây bàng, vào đông, lá lộc vừng chuyển đỏ và rụng dần. Nhưng bù lại, khi đến mùa hạ, lá cây sẽ rất dày và tươi xanh, giúp tạo nên một góc sân râm mát cho em chơi đùa. Đặc biệt, vào khoảng tháng 11, cây sẽ ra hoa. Hoa lộc vừng là từng bông hoa nhỏ màu đỏ kết thành chùm dài buông xuống giống cái đèn lồng. Khi cả cây cùng nở hoa một lần thì khung cảnh đẹp như trong phim vậy.
Bài số 2: Tả cây bàng trước nhà
Trước nhà em có một cây bàng. Cây bàng này đã được rồng rất lâu rồi.
Cây bàng mọi người thường trồng để che bóng mát. Cây bàng trước nhà em là bố em trồng cách đây khoảng 5 năm. Mặc dù không được chăm sóc tốt nhưng cây vẫn lớn nhanh và lá rất xanh tốt. Cây cao khoảng 5 mét, tán xoè rộng khắp sân nhà em. Lá cây hình giống chiếc quạt mo nhưng bé hơn một chút. Trên cây có nhiều cành đan xen lẫn nhau và trên những cành ấy có nhiều lá. Lá bàng khi non thì màu xanh mướt và là chồi bé, khi lớn tạo hình chiếc quạt to dần to dần. Lá già có màu vàng nhưng nhuốm đỏ tím.
Đến mùa bàng ra quả, từ những đầu cành xuất hiện những quả bé màu xanh hình bầu dục. Khi chín chúng ngả màu vàng xuộm, nếu ăn thì có vị hơi chát sau đó cảm thấy ngọt dần. Mùa đông sang, cây bàng gần như trơ trọi chỉ còn cành bởi lá nó hầu như đã rụng hết. Những cành cây khẳng khiu còn lại tập trung chất dinh dưỡng để đến thời kì xuân đến cây đâm chồi mới lá mới. Cây bàng sẽ trở nên đầy sức sống khi xuân về. Các nhánh cây và lá cứ như thể đang reo vui như muốn nói với mọi người điều gì bằng ngôn ngữ cơ thể của nó.
Chúng em thường chơi đùa cùng nhau trước sân dưới tán cây nên rất mát. Hàng ngày, mẹ em hay quét những lá bàng rụng. Thỉnh thoảng em cũng phụ mẹ quét lá. Cuộc sống hàng ngày của em đều có hình ảnh cây bàng. Nhờ có cây hàng che bóng mát mà nhà em lúc nào cũng mát mẻ.
Bài số 3: Tả cây sấu
Trước cổng nhà em, có trông một cây sấu rất to và đẹp. Nghe mẹ bảo, năm nay cây sấu đó cũng đã hơn năm tuổi rồi.
Cây sấu rất cao, có khi phải gần 3m, vì nó còn cao hơn cánh cổng của nhà em nữa. Thân cây thẳng đứng, to như bắp chân người lớn, vô cùng chắc chắn. Bọc bên ngoài thân cây là lớp vỏ thô ráp, màu nâu sẫm. Ở phía dưới gốc, có mấy chỗ xám trắng như là bị mốc. Cách gốc khoảng gần một mét rưỡi, các cành bắt đầu tỏa ra. Các cành ở thấp to như cổ tay, các cành ở trên cao thì có phần bé hơn. Từ các cành đó, các nhánh con lại thi nhau tỏa ra, đan cài vào nhau, dày đặc. Khiến cả cây sấu nhìn từ xa như một cây nấm rơm màu xanh.
Lá cây sấu có hình như lá cây vải, cây nhãn, nhưng dài hơn và màu xanh ít sẫm hơn. Đặc biệt, so với các loại cây bóng mát khác như cây bàng, cây đa, thì lá của cây sấu dày hơn nhiều. Đến mức, mùa hè đứng dưới tán cây, thì thật khó để có thể xuyên qua vòm lá nhìn lên trời xanh. Vào khoảng tháng 5, tháng 6 cây sấu sẽ bắt đầu ra hoa. Hoa sấu nhỏ li ti, màu trắng pha chút xanh nhạt. Thường, hoa sấu mọc thành từng chùm, trên cả một cành dài như hoa lay-ơn. Thế nhưng, một phần vì hoa nhỏ, màu lại lẫn với lá, một phần vì tán lá quá dày và cao, nên thường khi hoa sấu nở, chẳng mấy ai phát hiện sớm. Chỉ khi hoa đã nở rầm rộ, trắng xóa thì người ta mới nhận ra. Khoảng gần ba tuần sau khi hoa nở thì sẽ kết quả. Giống như hoa, quả sấu mọc từng chùm xanh biếc. Khi lớn, quả sấu thường to bằng một chén rượu nhỏ của các bố, các ông. Ăn giòn và có vị chua nhẹ. Những quả sấu ấy, làm ra đủ các món ngon vào mùa hè. Nào là sấu dầm đường, hay sấu muối giòn, canh sấu, ô mai sấu… Đôi khi chỉ là một quả sấu chua với ít muối ớt cũng đủ làm tụi trẻ con thèm thuồng.
Mỗi ngày, khi đi qua cổng, em luôn nhìn thấy cây sấu đầu tiên. Nó như một người bảo vệ thầm lặng cho cả ngôi nhà. Em mong rằng, cây sẽ luôn khỏe mạnh, xanh tốt, để tiếp tục đồng hành cùng em qua thật nhiều, thật nhiều mùa hè nữa.
Bài số 4: Tả cây phượng
Ngay giữa sân trường tôi sừng sững một cây phượng. Tôi không biết “bác” được trồng từ lúc nào. Tôi chỉ biết rằng khi tôi cắp sách tới trưởng thì “bác” đã già, già lắm.
Nhìn từ xa, cây như một người khổng lồ, mái tóc màu xanh. Thân cây to, hai người ôm không xuể. vỏ cây xù xì nổi lên những u cục như người bị bướu. Nhưng ít ai biết rằng trong lớp vỏ xù xì đó dòng nhựa mát lành đang cuồn cuộn chảy để nuôi cây. Mùa xuân về, cây đâm chồi nảy lộc. Lá phượng giống lá me, mỏng, nhìn như những hạt cốm non. Những cành cây mập mạp như hàng trăm cánh tay đưa ra, đón ánh sáng mặt trời để sưởi ấm cho mình. Rồi những tiếng ve râm ran đầu tiên của mùa hạ cất lên, cây bắt đầu trổ hoa. Khi chưa muốn khoe vẻ đẹp của mình, hoa e lệ ẩn mình trong khi đài hoa xanh mỡ màng. Từng nụ, từng nụ uống sương đêm và tắm nắng mai rồi từ từ hé nở. Hoa phượng có năm cánh, mượt như nhung, toàn một màu đỏ thắm. Nhị hoa dài, xung quanh có một lớp phấn hung hung vàng. Hết mùa hoa, trên cây lấp ló những chùm quả phượng. Quả phượng giống quả bồ kết nhưng dài và to hơn.
Mỗi lần hoa phượng nở, lòng chúng tôi rộn lên bao cảm xúc, vừa vui lại vừa buồn, lại xen cả lo lắng. Tôi vui vì sắp dược nghỉ hè, buồn phải xa ngôi trường, còn lo lắng vì mùa thi đang đến. Các bạn ơi! Hôm nay bắt đầu ngày thi rồi đây. Buổi trưa, tôi vui vẻ đến khoe điểm mười đỏ chói với “bác” phượng già.
Hàng ngày, chúng tôi tưới nước cho cây. Đôi lúc lại có một số cậu học trò tinh nghịch trèo lên cây để hái quả. Làm sao quên được những kỉ niệm êm đẹp về người “bạn già” luôn chia sẻ niềm vui nỗi buồn với chúng tôi trong học tập. Thế rồi, chúng tôi phải nghỉ hè, xa bạn bè, xa cô giáo, xa “bác” phượng kính yêu.
Các bài văn mẫu tả cây bóng mát chi tiết
Dưới đây là các bài mẫu tập làm văn lớp 4 tả cây bóng mát chi tiết và đầy đủ nhất:
Bài số 1: Tả cây sấu trong sân trường
Trường em trồng nhiều cây cho bóng mát, nhưng em thích nhất là cây sấu thật to ở sân trường em.
Cây sấu không rõ trồng từ bao giờ. Nó khá cao. Ngọn cây gần ngang tầng thượng ngôi nhà hai tầng, dày đặc lá, lúc nào cũng xanh rì. Ngồi ở dưới sân trường ngước nhìn lên, lá cây dày đặc khó mà thấy được một mảnh da trời. Gốc cây to đến ba đứa chúng em ôm cũng không xuể. Vỏ cây màu nâu mốc, nứt ra từng mảnh nhỏ.
Có bạn nghịch cậy ra từng mảng vỏ, chắc cây đau lắm. Thật là một trò nghịch ác. Những hôm nắng to, cây sấu tỏa bóng râm trùm lên một khoảng sân rộng. Bóng râm lúc to, lúc nhỏ, lúc tròn như vành vạnh một cái ô lớn khi mặt trời ở đỉnh đầu, lúc thì ngả dài như một dải lụa khi mặt trời mới mọc hoặc xế chiều.
Đặc điểm của sấu già cổ thụ này có thể dễ nhận thấy đó chính là bộ rễ cây. Rễ của cây sấu như thật to và nó cũng đã nhô lên khỏi mặt đất trông giống như một đàn rắn đang bò xung quanh gốc bám thật chắc, dù ai xua đuổi những con rắn này vẫn cứ nằm đó.
Thân của cây sấu rất lớn phải đến vòng tay của 3 bạn ôm lại. Khi mùa thu đến những chiếc lá vàng trên cây sấu dường như cũng đã lại rơi rụng rất nhiều. Cơn gió mạnh mà thổi qua cũng đã khiến cho mặt đất xung quanh cây sấu như được phủ một lớp lá vàng.
Đến mùa đông, cây sấu dường như cứ thu mình lại im lìm, cho đến mùa xuân thì cây sấu như đâm chồi nảy lộc thật đẹp biết bao nhiêu, cho đến mùa hạ cây sấu lại ra những chùm hoa trắng nhỏ xinh, ngày qua ngày thì chùm hoa đó đã thành quả sấu. Người ta hay dùng quả sấu để nấu canh chua hay cũng dùng để ngâm với được làm nước giải khát rất thơm ngon vào ngày hè thời tiết oi bức.
Trong những giờ ra chơi chúng em cũng thích ngồi dưới gốc cây sấu để có thể tận hưởng được bóng mát của cây mang lại. Vì trong sân trường em cây sấu là cây cổ thụ lâu năm nhất. Em rất yêu mến cây sấu này, em cùng các bạn sẽ bảo vệ cây không cho bạn nào bẻ cành, tuốt lá.
Những mùa sấu ở Hà Nội cứ đến và qua đi. Có khi người ta quên mất nó trong bận bịu thời gian, nhưng với những người đi xa, mùa hoa sấu là ký ức tuổi thơ, là nỗi nhớ nao lòng về một Hà Nội không thể nào quên được …
Bài 2: Tả cây sấu trên những con phố
Sáng nay, tôi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, ngồi hít thở không khí trong lành của sương sớm ban mai khi thành phố lúc còn chưa ồn ã náo nhiệt. Chút nắng sớm chiếu rọi qua hàng sấu già càng làm lộng lẫy vẻ đẹp kiêu sa của những chùm hoa sấu li ti đầu mùa đang thầm lặng tỏa hương. Tôi hơi bất ngờ vì hoa sấu nở nhanh đến như vậy. Mới hôm nào cách đây vài độ, lá vàng còn xào xạc rụng hoài trên phố. ấy vậy mà chỉ qua một vài cơn mưa đầu mùa hạ, lá sấu xanh non đã phủ kín những cành gầy run rẩy. Những chùm hoa sấu cũng bắt đầu nhú lên từ những đầu cành non đó.
Người ta vẫn từng nói, Hà Nội là nơi tập trung của hầu hết các loài hoa đặc trưng nhất ở mọi miền đất nước. Mỗi phố cổ hay một con đường mới nào đấy, đâu đâu ta cũng bắt gặp muôn vàn cây hoa với đủ màu sắc kiểu dáng từ phượng vĩ, hoa bằng lăng, hoa ban cho tới các loài hoa quý phái hơn như hoa lan, bạch lan, hoa sữa… Vâng! Nhưng có lẽ hoa sấu đối với tôi nó gắn nhiều kỷ niệm hơn cả bởi sự mộc mạc, giản dị đến khiêm nhường, bởi tuổi thơ tôi đã từng được những hàng cây sấu minh chứng. Tôi nghĩ chẳng riêng gì tôi mà hầu như tất cả những ai sinh ra và lớn lên ở Hà Nội thì ngoài các loài hoa khác ra, hoa sấu không thể thiếu trong hành trang tuổi thơ đầy ắp của mỗi người trước khi bước vào cuộc sống… chính vì lẽ đó mà mỗi khi mùa hè tới, mùa hoa sấu về những kỷ niệm trong tôi lại dâng trào.
Ngày nhỏ, mỗi lần dạo phố vào ban đêm, dưới ánh trăng bàng bạc xuyên qua những lỗ hổng của cành lá xuống đường, bà tôi thường bảo: “Cháu có nhìn thấy hàng hoa sấu li ti màu trắng trên cây kia không?”. Tôi căng mắt ra nhìn nhưng không sao nhìn thấy, chỉ một màu xanh đen của lá và những khoảng sáng của trăng. Sáng sớm hôm sau tôi dậy thật sớm để ra xem hoa sấu, quả thực nó nhỏ lắm, chỉ bằng đầu cái cọng cỏ màu trắng. ít bữa hoa sấu rụng, tôi và bọn trẻ con tha hồ nhặt chúng, xâu lại thành chuỗi hạt đeo cổ trông rất ngộ và thích thú.
Đẹp nhất, thơ mộng nhất là phố Phan Đình Phùng, bởi lẽ phố này rất nhiều cây sấu. Đi dưới đường vào mùa hoa sấu người ta như ngây ngất hơn khi những cánh hoa sấu rụng như mưa bụi, đậu trên đầu, trên vai. Hoa sấu đẹp giản dị, khiêm nhường. Mùi hương và màu sắc của hoa không quý phái, ngất ngây như hoa sữa, hoàng lan hay dạ lan…, nhưng vẫn toát lên vẻ quyến rũ riêng làm ta nao lòng. Dọc Trần Phú, Phan Đình Phùng, Bà Triệu, quanh Hồ Hoàn Kiếm, Tràng Thi…, màu lá xanh rì của những hàng sấu gợi lên nét riêng của phố phường Hà Nội. Lũ trẻ lớn lên ôm kỷ niệm từ màu lá xanh, chùm hoa bé xinh, đến những quả sấu non lớn dần theo thời gian, nóng lòng chờ sấu già, sấu chín để được leo trèo hái quả. Hái cho thỏa lòng khao khát chứ nào có ăn được bao nhiêu!
Bài số 3: Tả cây bàng
Tuổi học trò có lẽ là tuổi hồn nhiên, đẹp đẽ, trong sáng đơn thuần nhất trong cuộc đời mỗi con người. Cùng với âm thanh quen thuộc của tiếng ve, sắc đỏ rực rỡ của những chùm phượng vĩ thì cây bàng chính là hình ảnh quen thuộc, gắn liền sâu sắc với ký ức thời áo trắng thơ ngây.
Từ xa nhìn lại, cây bàng như một chiếc ô xanh khổng lồ. Tán bàng rộng che kín cả một góc sân trường em. Tới gần, vẻ đẹp của cây bàng càng đáng yêu hơn. Tán bàng được đan dệt bởi những tầng lá xanh, to rộng và dày lại với nhau. Trên tán cây, thỉnh thoảng điểm xuyết vài nhành hoa bàng màu trắng li ti trông rất nhỏ bé, tinh khiết. Thân cây bàng to bằng một vòng tay em ôm không xuể. Vỏ cây bàng mày nâu, xù xì như da cóc, giống như những nếp nhăn của tháng năm đã vắt kiệt sức trẻ của cây bàng. Rễ cây bàng nổi lên trên mặt đất như những con rắn khổng lồ, là chiếc ghế tự nhiên cho chúng em có bóng mát vào mỗi ngày hè oi ả. Cây bàng là người bạn thân thiết của lũ học trò nhất quỷ nhì ma chúng em, là bóng dáng quen thuộc xuất hiện trong hồi ức tươi đẹp của thanh xuân.
Cây bàng có rất nhiều công dụng. Trước hết, nó là chiếc ô xanh khổng lồ che mát cho chúng em mỗi khi cái nóng oi ả của mùa hè ghé qua. Lá bàng khô dùng để làm chất đốt rất tốt vào những mùa ẩm ướt. Thân cây bàng khi đem phơi khô có thể đem đóng vật dụng trong gia đình, hoặc là chất đốt tiện lợi mỗi khi mưa gió kéo dài. Cây bàng có những lợi ích thật thiết thực đúng không ạ.
Hơn tất cả, cây bàng gắn với kỉ niệm tuổi học trò chúng em là những lần trèo cây, ném quả bàng cười ha ha cùng ăn nhấm nháp như lũ chuột con tinh nghịch. Em nhớ có lần, vì nghịch ngợm nên đã vin cành bàng con vừa mới chào đời để bẻ lá, vặt quả ở cành khác ăn, kết quả là bị một trận phạt chạy quanh sân trường mấy vòng mệt lử. Trên thân cây bàng, bọn em cũng khắc khi những dấu vết của mình mà đã vô tình làm đau bác Bàng thân thương. Nhưng có lẽ Bác Bàng cũng hiểu sự dại khờ, hồn nhiên của bọn em nên sẽ tha thứ thôi.
Cây bàng là chiếc ô xanh tỏa mát tâm hồn trong trẻo của em, là hình ảnh thân thuộc của tuổi học trò em sẽ luôn khắc ghi.
Bài số 4: Tả cây đa trong sân đình
Ở cạnh sân đình của làng em có một cây đa sừng sững không biết có từ bao giờ. Em chỉ biết rằng nó rất cao to và tỏa bóng mát rợp cả một góc sân. Người dân làng em vẫn bảo đó là cây chở che cho làng em.
Cây đa sừng sững như một người khổng lồ đang hiên ngang chễm chệ ngay giữa đường. Cây đa nằm sát mặt đường, bên dưới là cái giếng làng và sân đình. Mọi người vẫn bảo cây đa giếng nước và sân đình thường đi liền với nhau.
Thân của cây đa rất to, phải 5, 6 người ôm mới xuể được. Vỏ của thân cây xù xì chứ không trợn mịn và bằng phẳng, vì thỉnh thoảng còn nhô lên một số u mà người ta liên tưởng đến những ung nhọt mọc trên thân cây.
Ấn tượng nhất là bộ rễ như một đàn trăn bò lổm nhổm trên mặt đất. Đây được xem là nơi ngồi hóng gió của người dân quê em. Rễ đa to và tài bò trên đất tưởng chừng như sắp bật ra. Nhưng mà nó lại bám rất sâu, nhiều trận bão đi qua nhưng vẫn không quật ngã được loại cây kiên cố như thế nào.
Xem thêm : Tập làm văn ước mơ của em: 7 bài văn mẫu chọn lọc nhất
Những tán lá to và xòe ra khắp nơi với vô vàn nhánh nhỏ chi chít em không đếm được. Trên những cành cây đó là những chiếc lá to và dày, có một số chiếc lá như cái quạt mo của bà em vẫn quạt. Lá nào lá nấy chắc nịch và rất khó có thể rơi rụng khi gió thổi qua. Trừ khi gió quá mạnh thì những chiếc lá mới theo gió rơi xuống. Bọn em vẫn thường nhặt lá đa đem về nhà viết thơ lên đó hoặc để ngồi đánh chuyền ngay dưới gốc đa luôn.
Cây đa đồ sộ này đã trở thành biểu tượng của làng em, có nó làng em trông đẹp hơn và văn minh hơn. Mọi người vẫn bảo làng nào cũng nên có cây đa để bảo vệ cho làng và giữ gìn truyền thống làng lâu năm.
Mọi người ai đi đâu làm ăn xa cũng thường xuyên ghé về thăm quê và không ngớt khen cây đa càng ngày càng đồ sộ hơn. Nhiều người đã có những kí ức tuổi thơ đẹp dưới cây đa, bên cạnh giếng nước và sân đình này.
Bài số 5: Tả cây đa làng em
Làng quê em có rất nhiều cảnh đẹp khiến ai đi xa nơi đây cũng đều thương đều nhớ. Đối với em, hình ảnh mái đình cổ rêu phong nằm tĩnh lặng dưới bóng cây đa cổ thụ luôn in sâu trong tâm trí mỗi lần trở về quê nội.
Cây đa chẳng biết có từ bao giờ. Bà nội kể từ khi bà còn nhỏ, cây đã ở nơi đây tỏa bóng mát cho trẻ con nô đùa. Có lẽ đến nay, cây đa cũng đến hơn trăm tuổi. Rễ đa nổi lên trên mặt đất và bò rộng ra khoảng đất xung quanh để giữ thân cây được vững chắc. Vì vậy, trải qua thời gian với bao cơn bão lớn, đa vẫn đứng vững và tỏa bóng mát cho làng quê. Rễ cây to và dài như những con mãng xà nằm lặng yên trên mặt đất. Đây cũng là nơi người dân làng em thường ngồi nghỉ chân mỗi khi đi làm đồng về và lũ trẻ con thích thú ngồi nô đùa sau mỗi buổi tan học. Cây đa còn có nhiều rễ phụ, buông dài từ trên xuống như những chiếc râu của chú bạch tuộc.
Thân cây đa to lớn, chừng ba đến bốn người dang tay mới ôm xuể. Vỏ cây có màu nâu, thân cây không nhẵn mịn mà xù xì. Thân cây khoảng 8 mét và chia thành ba nhánh lớn, xòe tán rộng xum xuê. Ngọn cao nhất mọc thẳng như hướng về nền trời xanh ngắt
Lá đa dày và rộng hơn bàn tay em, có màu xanh đậm. Mỗi khi lá rụng, lũ trẻ trong làng thường sử dụng để làm quạt mát hoặc biến thành chiếc mũ đội đầu xinh xinh. Tán đa xòe rộng như chiếc ô khổng lồ màu xanh. Trên vòm lá ấy còn xuất hiện những bông hoa đa nhỏ xíu, để rồi kết trái và mùa hè đến có những trái đa đỏ mọng, là món quà của trẻ thơ quê em. Mỗi làn gió nhẹ thổi qua, cành lá đu đưa, tạo nên âm thanh xào xạc. Ở những tán lá rộng, chim chóc kéo nhau về làm tổ rộn ràng.
Cây đa đầu làng đã chứng kiến bao chuyện buồn vui của ngôi làng. Mỗi khi có dịp về quê, em cùng các bạn thường nô đùa và chơi các trò chơi dân gian dưới bóng mát của tán đa cổ thụ. Khách qua làng thường dừng chân bên quán nước ven gốc đa, uống bát nước chè xanh và lắng nghe tiếng chim hót văng vẳng bên tai.
Em yêu thích cây đa bởi vẻ đẹp cổ kính và nơi đây đã gắn bó với bao kỉ niệm tuổi thơ êm đềm. Cây đa giống như ông bụt hiền từ đứng ở đầu làng, luôn dang rộng vòng tay chào đón những người con của làng trở về. Em mong gốc đa cổ thụ sẽ mãi mãi xanh tươi, trở thành người bạn gắn bó và thân thiết với người dân quê em.
Bài số 6: Tả cây si
Sân trường em trồng rất nhiều loại cây bóng mát, chúng đứng thành hàng thẳng tắp, xòe tán rộng che bóng mát khắp cả sân trường. Nhưng có lẽ chỗ gốc cây cổ thụ thu hút nhiều lũ trẻ chúng em vẫn là cây si già.
Không biết đến nay, cây si già đã bao nhiêu tuổi. Cô giáo chủ nhiệm của em nói: “Cô về đây đã hơn mười năm rồi, lúc ấy cây si cũng như bây giờ, cô nghe nói từ khi có ngôi trường này thì người thì người ta đã trồng nó từ bao giờ rồi. Có lẽ đã gần trăm tuổi rồi đấy!”. Cây si giống như một cây dù khổng lồ xanh thẳm. Những cái rễ trơn bóng nằm uốn lượn trên mặt đất như những con trăn hoa nằm ngủ im lìm dưới tán cây. Thân cây to hết chỗ nói, ước chừng sáu, bảy đứa trẻ chúng em nắm tay nhau mới kín được. Vỏ cây màu nâu sẫm và cũng trơn bóng như rễ cây. Hầu như toàn thân cây chi chít những tên tuổi, những con số, những hình nhân do các bậc đàn anh đàn chị các lớp trước lưu lại để kỉ niệm một thời đã học ở đây. Điều thú vị nhất với chúng em là nắm lấy những cái rễ to bằng ngón tay cái người lớn lòng thòng từ trên xuống thi nhau trèo lên cao hoặc chơi đánh đu. Con trai, con gái đều thích thú. Dường như quanh năm, cây si vẫn xanh một màu xanh muôn thưở của nó. Lá si nhỏ và dày, cành lại dai nên dù mưa to gió bão, cây si vẫn đứng vững vàng chống chọi lại thiên tai mà không hề vấn đề gì. Đã trăm tuổi rồi, trông nó vẫn cường tráng, vẫn xuân xanh như một chàng trai mới lớn.
Những giờ giải lao, chúng em thường tụ tập về đây để hóng mát và tổ chức các trò chơi của trẻ thơ. Cây si đã gắn với ngôi trường này, gắn với bao thế hệ học trò muôn vàn những kỉ niệm thân thương, những trò chơi hấp dẫn hay những câu chuyện tuế của đời thường râm ran nổ ra dưới gốc cây này.
Mai đây, khi phải từ biệt mái trường này thì cây si già vẫn mãi mãi để lại trong lòng chúng em những ấn tượng đẹp, những kỉ niệm khó quên của một thời thơ ấu.
Bài số 7: Tả cây bằng lăng
Ở sân trường em có rất nhiều những loại cây, cây bàng với những tán lá xanh um tỏa bóng che mát cho sân trường hay cây phượng với những bông hoa đỏ rực tuyệt đẹp nhưng có lẽ em thích nhất là cây bằng lăng.
Cây bằng lăng mà em thích nằm bên cạnh với lớp em. Thân cây to màu nâu với những đường vân sần sùi. Cây được trồng trong bồn với những bông hoa bé xinh được xếp ở xung quanh. Cây cao tầm 2 mét, cành lá tỏa ra tứ phía trông như những cánh tay khổng lồ vậy. Lá bằng lăng có màu xanh thẫm, to bằng bàn tay của người lớn. Lá bằng lăng không có viền răng cưa mà thay vào đó là những đường gân lá kéo dài từ cuống lá đến hết chiếc lá.
Mùa hè đến bằng lăng bắt đầu nở rộ. Hoa bằng lăng có màu tím rất đẹp mắt. Hoa bằng lăng có nhiều cánh, mỗi cánh hoa đều mềm như lụa và nhẹ như nhung. Những cánh hoa ấy ôm ấp bao bọc lấy nhụy hoa màu vàng tươi bên trông tạo ra một sự hài hòa về màu sắc. Khi các bông hoa nở rộ cũng là lúc toàn bộ cây được bao phủ bởi màu tím chói mắt. Từ xa nhìn lại cây hoa lúc này trông chẳng khác gì một chiếc ô khổng lồ màu tím sang trọng tỏa bóng che mát cả một khoảng sân rộng.
Hoa bằng lăng từ lâu đã được coi là hoa học trò bởi màu hoa rất giống màu mực tím cũng bởi vì hoa nở đúng vào mùa thi. Mỗi lần ngồi trong lớp em lại lơ đãng hướng ra cửa sổ ngắm nhìn những chùm hoa màu tím thanh thanh ấy, cảm xúc vừa buồn mà lại vừa vui. Vui là vì sắp được lên một lớp mới còn buồn là vì phải xa bạn bè thầy cô. Khi hoa bằng lăng bắt đầu rơi xuống cũng là lúc cây bắt đầu có quả. Quả bằng lăng lúc non sẽ có màu xanh lục bảo, hương thơm nhẹ, thanh khiết. Khi chín quả sẽ tự tách ra thành từng múi một.
Em rất yêu cây bằng lăng này bởi nó gắn liền với rất nhiều những kỉ niệm về tuổi học trò ngây thơ đầy nắng và gió của em. Em sẽ luôn chăm sóc và giữ cho cây luôn được tươi tốt.
Bài số 8: Tả cây me tây
Vào những ngày tháng ba trung tâm mùa khô ở miền đất Nam Bộ này, nắng như thiêu như đốt. Tan học trở về nhà, tụi học trò chúng em thường tụm năm tụm bảy nghỉ lại dưới gốc cây me tây để tránh cái nắng chói chang ấy, Chính gốc cây có bóng mát này đã ghi lại không biết bao nhiêu những kỉ niệm đẹp của tuổi học trò.
Có lẽ ai đó trước đây khi trồng cây me này đã tính toán khá chu đáo cho tụi trẻ chúng em có chỗ dừng chân nghỉ lại trên một đoạn đường bốn cây số cuốc bộ khi gặp cái nắng gay gắt của mùa khô. Nhìn từ xa, cây mẹ tây đứng sừng sững bên vệ đường như một cây cổ thụ xòe tán lá sum suê che mát cả một khoảng đất rộng. Đến gần em, càng thấy dáng vóc đồ sộ và vĩ đại của nó. So với những cây phi lao, bạch đàn, xà cừ… dọc theo vệ đường gần đó thì nó vượt hẳn cả kích thước lẫn bóng che. Mọi người đi qua đây, dù vội vã đến đâu cùng muốn dừng lại mươi lăm phút để tận hưởng cái không khí dìu dịu từ cái phòng “điều hòa nhiệt độ” ngoài trời này và tránh cái nắng tháng ba như đổ lửa của mùa khô.
Gốc cây ước chừng hai vòng tay người lớn ôm không xuể. Những chiếc rễ to, nhỏ đủ cỡ bò lan trên mặt đất dùng làm ghế ngồi cho khách đi đường, nay đã nhẵn bóng lên nằm phơi mình như những con rắn khổng lồ trong bóng râm mát. Thân cây thẳng đứng từ mặt đất lên chừng bốn mét mới đâm chĩa thành ba nhánh lớn đều nhau, tạo nên một cái vòm tròn như cái dù phi công màu xanh lục. vỏ cây xù xì, màu nâu xám. Một vài khách đi đường, có lẽ muốn lưu giữ lại đây một kỉ niệm nào đó ở gốc cây này nên đã dùng dao khắc trên vỏ cây ngày, tháng, năm và chữ ký loằng ngoằng họ tên của mình.
Tít trên cao, tán lá sum suê xòe rộng ra ấy là nơi những chú chích bông, chào mào, sáo sậu… thỉnh thoảng thường tụ tập về đây dự “hội diễn ca múa nhạc”. Đến mùa ra hoa, cái vòm xanh lục khổng lồ này được điểm tô vô vàn những chấm nhỏ li ti màu hồng tím, trông mới tuyệt diệu làm sao! Cứ tưởng vòm lá như một tấm vải hoa sặc sỡ đủ màu, căng phồng lên giữa khoảng trời trong xanh vời vợi. Cây me tây là điểm tụ hội của lũ học trò chúng em sau buổi tan học. Ngồi dưới gốc me tây, giữa cái nắng chói chang của mùa hạ mới cảm thấy mát mẻ và dễ chịu đến nhường nào! Những trò chơi đá cầu, đánh bi, kéo co, banh đũa… đều diễn ra sôi động ở đây. Cứ thế, cây me tây gắn bó với chúng em suốt những ngày đi học với biết bao kỉ niệm vui buồn của tuổi ấu thơ.
Mai đây dẫu có phải đi xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình, có ai đó hỏi rằng: “Hình ảnh nào sâu đậm nhất gợi nhớ quê hương?” Lúc ấy, em sẽ không ngần ngại trả lời rằng: “Đó là cây me tây trên đường đến trường”.
Bài số 9: Tả cây xà cừ
Sân trường em có rất nhiều loại cây bóng mát, tỏa bóng râm khắp sân trường. Nhờ thế, những giờ ra chơi của chúng em vẫn diễn ra sôi động kể cả trong những ngày trời nắng gắt. Em thích nhất là ngồi dưới gốc cây xà cừ ở giữa sân.
Đây là một cây cổ thụ ở trường em, từ thời anh chị em còn học tiểu học cây đã được trồng lâu lắm rồi. Cây xà cừ rất lớn, tỏa bóng râm cả một vùng rộng. Nhìn từ xa, cây như một chiếc ô khổng lồ sừng sững giữa sân trường. Cây cao bằng ngang tầng hai của tòa nhà chính, thân cây to, hai người ôm không xuể. Thân màu nâu sẫm, sần sùi và có đốm bạc, đôi chỗ lớp vỏ bong ra để lộ bên trong một lớp thân nhỏ màu nâu nhạt. Từ thân chính, cây chĩa ra thành 3 cành lớn tỏa ra ba phía. Những cành này cũng đã lớn, to gần bằng gốc cây bàng. Những cành nhỏ cứ thế đua nhau mọc ra đan xen nhau, từ dưới nhìn lên tựa như đang lạc vào một khu rừng nguyên sinh, cành lá nhiều không đếm xuể. Có cành hơi sà xuống thấp, gió thổi la đà. Lá cây xà cừ như các loại lá cây thường, không to như lá bàng, lá màu xanh lá chuối, phủ kín các cành cây, gió thổi qua nghe xào xạc . Dưới gốc cây là những chiếc rễ to sần sùi lên xuống nhìn như những con trăn vậy. Ngày nắng hay ngày mưa, cây xà cừ vẫn đứng sừng sững giữa sân trường như một người vệ sĩ đầy khỏe khoắn và quyền lực. Những ngày xuân, cây xà cừ thay lá, những chiếc lá vàng rụng xuống hết cũng là lúc mà chồi non giăng đầy, một màu xanh non tươi mới và giàu sức sống. Em hay cùng bạn bè xuống đây chơi nhảy dây, đọc sách và trò chuyện, vừa râm lại vừa thoáng mát. Ánh nắng len lỏi qua tán cây chỉ còn là những tia nắng nhỏ. Chúng em hay nhặt những quả xà cừ làm con quay xem của ai được lâu hơn, giờ ra chơi vì thế mà càng vui nhộn.
Em rất yêu quý cây xà cừ ở trường em, chúng em thường âu yếm gọi cây bằng một cái tên thân thương “Bác xà cừ”. Em và các bạn sẽ chăm sóc bác xà cừ thật tốt để bác luôn tỏa bóng mát và làm đẹp cho ngôi trường của em.
Bài số 10: Tả cây hoa gạo
Nắng xuân luôn biết cách sưởi ấm cho đất trời để vạn vật bừng sáng sau giấc ngủ đông. Những tia nắng ấm áp ấy cũng thổi bùng muôn nụ nhỏ trên cành cây hoa gạo thành những đốm lửa đỏ rực. Nhờ thế, cây hoa gạo cổ thụ đầu làng tôi đã khoác một chiếc áo mới vô cùng lộng lẫy.
Nhìn từ xa, cây gạo đỏ rực như một đuốc lớn đang bùng cháy. Quanh năm, cây hoa gạo khoác lớp vỏ nâu đen, xù xì như da cóc. Gốc cây hoa gạo to tròn, phải vài ba người ôm mới xuể. Gốc lồi lõm, sần sùi theo năm tháng. Từ gốc, thân gạo mọc lên thẳng tắp rồi tỏa ra muôn cành lớn nhỏ. Các cành lớn mập mạp nâng đỡ các cành nhỏ. Các cành nhỏ mọc vươn dài ra khắp phía như những cánh tay dang ra đón nắng, đón mưa, đùa vui cùng gió. Một số cành còn tỏa xuống tận gần gốc tạo thành một vòng cung tròn rộng lớn.
Mùa này, lá cây hoa gạo khá ít. Những chiếc lá nho nhỏ, xanh non mỡ màng như những ngôi sao xanh lấp lánh bên hoa. Hoa gạo năm cánh đỏ thắm, mịn màng chụm vào nhau ở nhụy. Nhụy hoa cùng màu với cánh nhưng điểm thêm những chấm tím than ti li ở ngọn. Từng bông hoa gạo đỏ đã dệt nên một tấm áo choàng đỏ rực phủ lên cây gạo. Không chỉ có những bông hoa đã bung nở, bao búp phượng vẫn còn e ấp ngủ. Chắc chúng đợi nắng ấm rọi chiếu, đợi đàn chim hót tới đánh thức mới mở mắt xòe cánh. Bông hoa gạo thơm nồng, quyến rũ, gọi bầy chim kéo tới dạo chơi. Từng đàn chim sáo, cu gáy hay quạ đen lũ lượt liệng bay quanh cây gạo. Chú vành khuyên khẽ sà xuống, đậu trên một chiếc cành nhỏ rồi cất vang tiếng hót. Chắc không ít người đã từng nghe:
“Bao giờ cho đến tháng ba
Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”
Hoa gạo nở rộ, rụng đỏ đầy đường chính là báo hiệu bầu trời đã nắng ấm. Cứ như muôn cánh hoa gạo đỏ rực đã gọi sự ấm áp đó về với làng xóm quê tôi vậy.
Xem thêm các bài viết mẫu khác TẠI ĐÂY.
Như vậy, để làm tốt bài tập làm văn lớp 4 tả cây bóng mát, các con cần tập trung xây dựng dàn ý 3 phần khái quát và chi tiết. Sau đó, triển khai bài viết và điều chỉnh lỗi chính tả, diễn đạt để bài văn được trọn vẹn. Ba mẹ hãy hỗ trợ và hướng dẫn để bé thực hiện bài làm của mình thật tốt nhé!
Nguồn: https://truongnguyentatthanh.edu.vn
Danh mục: Giáo dục
Ý kiến bạn đọc (0)