Giáo dụcHọc thuật

100+ Bài tập làm văn tả người lớp 2-5 hay nhất

4
100+ Bài tập làm văn tả người lớp 2-5 hay nhất

Tập làm văn tả người là chủ đề được học đầu tiên trong hầu hết chương trình tiếng Việt Tiểu học vì dễ quan sát, dễ tả chân thực, ít yếu tố tưởng tượng. Trong bài viết này, Nguyễn Tất Thành sẽ giúp ba mẹ hướng dẫn bé lập dàn ý cũng như chia sẻ bài viết mẫu để con tự thực hiện bài viết của mình thật tốt!

Dàn ý chung bài tập làm văn tả người em yêu quý nhất

Đa số các bé học tập làm văn đều có xu hướng đọc văn mẫu và áp dụng vào bài nhưng vẫn mắc lỗi diễn đạt, trùng lặp ý. Đó là bởi bài viết chưa được xác định rõ ràng về nội dung cần viết và trình tự triển khai. Để khắc phục vấn đề này, Nguyễn Tất Thành gợi ý các con lập dàn ý tả người theo hướng dẫn sau:

Phần mở bài: Giới thiệu chung

Nếu tả về người thân, em cần giới thiệu:

Người thân em định tả là ai? Ví dụ như: ông, bà, bố, mẹ, anh, chị

Điều gì khiến em muốn nói về họ?

Nếu muốn tả về một người bạn, em có thể thêm yếu tố: 

Phần thân bài: Tả khái quát và chi tiết

Tả hình dáng bên ngoài:

  • Dáng người, dáng đi

  • Trang phục thường mặc

Tả chi tiết các đặc điểm nổi bật:

  • Tả nước da, mái tóc, khuôn mặt

  • Tả các chi tiết mắt, miệng, mũi, trán,..

  • Tả giọng nói, nụ cười

Tả tính cách, hoạt động thường ngày:

  • Tả những đặc điểm tính cách nổi bật của người thân (ví dụ: ông em là người rất điềm đạm)

  • Tả những sự việc, hành động hàng ngày của người thân

  • Kể một số kỉ niệm đẹp của em và người thân.

Phần kết bài: Chia sẻ cảm nghĩ

Nêu cảm nghĩ và tình cảm của em đối với người thân mà em yêu quý.

Em sẽ làm gì để người đó vui lòng?

Xem thêm: Từ chỉ người tiếng Việt lớp 3 và tất tần tật kiến thức cần nắm

Bài mẫu tập làm văn lớp 2 tả về người thân

Đối với các bé lớp 2, các con thường được yêu cầu viết theo dạng đoạn văn ngắn. Vì vậy, các con cần nêu được các ý như:

Dưới đây là một số bài văn mẫu để các con tham khảo:

Bài mẫu tập làm văn lớp 2 tả về người thân. (Ảnh: Canva)

Bài số 1: Tả bố của em

Trong gia đình, người em luôn kính trọng và tin yêu nhất là bố. Bố em năm nay ngoài ba mươi tuổi. Bố là bộ đội, cũng là kỹ sư giỏi. Mái tóc đen nhánh của bố luôn được cắt gọn gàng. Bố thường mặc những chiếc áo phông trông rất trẻ trung. Những lúc mặc quân phục, trông bố rất oai phong. Bố em là người tận tụy trong công việc. Nhìn những cây cầu mới được dựng lên, em càng thấy hiểu về công việc của bố và càng tự hào về bố hơn. Mặc dù công việc bận rộn nhưng bố vẫn luôn chăm lo cho gia đình. Không chỉ giúp mẹ việc nhà, bố còn dạy em học mỗi tối. Bố đúng là người bố tuyệt vời của em.

Bài số 2: Tả mẹ của em

Mẹ em tên là Diễm Trang. Năm nay khoảng 35 tuổi. Dáng người mảnh mai, thon thả, khuôn mặt hiền hậu, mái tóc đen óng ả, làn da trắng hồng.Mẹ em là nhân viên bán hàng. Mẹ thương em lắm! Tuy công việc rất vất vả, nhưng lúc nào mẹ cũng lo lắng cho em. Chăm sóc cho em từng bữa ăn, giấc ngủ. Ngày hai lần mẹ đều đặn đưa em đến trường và đón em về. Tối đến mẹ còn dạy em học bài, làm bài. Trước khi đi ngủ mẹ thường kể chuyện cổ tích cho em nghe. Những đêm đông lạnh giá mẹ hay thức giấc đắp chăn lại cho em. Khi em ốm đau mẹ thức suốt đêm chăm sóc cho em. Em yêu mẹ lắm! Em hứa sẽ cố gắng học thật giỏi và luôn là đứa con ngoan của mẹ.

Bài số 3: Tả ông nội của em

Ông nội của em năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi, nhưng nom ông vẫn còn rất mạnh khỏe. Người ông dong dỏng cao, lưng đã hơi còng xuống vì những năm tháng lao động vất vả, cực nhọc để chèo chống gia đình. Ông có vầng trán cao, rộng cho thấy rõ là một con người thông minh, nhạy bén. Đôi mắt ông hiền từ. Chiếc miệng của ông móm mém. Làn da của ông đã nhăn nheo đi nhiều. Những vết đồi mồi ngày một dày hơn. Giọng của ông rất trầm ấm và vang. Em rất yêu thương ông nội của em.

Bài số 4: Tả bà ngoại của em

Em chỉ còn bà ngoại. Năm nay, bà em vừa tròn sáu mươi tuổi. Bà là y sĩ bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, về hưu đã được chín năm. Lúc vui, bà vẫn nhắc: “Cháu Hoa ra đời thì bà nhận sổ hưu”. Mái tóc bạc quá nửa, mắt bà vẫn tinh anh, bà làm gì cũng nhanh và khéo. Bà rất hiền từ. Tối nào bà cũng kèm em học. Chữ bà rất đẹp. Em rất yêu bà em. Em chỉ mong bà khỏe, vui sống đến trăm tuổi cùng con cháu.

Bài số 5: Tả anh trai của em

Trong gia đình, anh trai là người thân thiết nhất với em. Anh của em năm nay mười hai tuổi. Tên của anh là Tuấn Anh. Hiện tại, anh đang là học sinh lớp sáu trường trung học cơ sở Hai Bà Trưng. Anh Tuấn Anh rất cao, khoảng một mét bốn mươi. Nhưng anh lại rất gầy. Anh có khuôn mặt trái xoan. Làn da ngăm đen rất khỏe khoắn. Đôi mắt sáng, cùng với vầng trán cao. Mọi người đều bảo anh là một người thông minh, giỏi giang. Anh luôn chiều chuộng, bảo vệ em. Chính vì vậy, em rất yêu quý anh trai của mình.

Xem thêm các bài viết mẫu TẠI ĐÂY.

Bài tham khảo tập làm văn lớp 3 kể về người thân

Tương tự, các bạn lớp 3 cũng có thể tả lại người thân qua đoạn văn ngắn. Các con có thể đưa các yếu tố miêu tả chi tiết hơn về ngoại hình hoặc nêu cảm nhận trong bài viết của mình. Dưới đây là các bài viết mẫu:

Bài tham khảo tập làm văn lớp 3 kể về người thân. (Ảnh: Canva)

Bài số 1: Tả ông ngoại 

Ông ngoại là người mà em yêu mến nhất. Năm nay, ông đã bảy mươi hai tuổi. Ông có vóc người gầy gầy, nhưng đi lại vẫn còn nhanh nhẹn. Hằng ngày ông thường mặc bộ đồ bà ba màu xám trông rất sạch sẽ. Khi đi đâu thì ông mặc quần tây áo sơ mi. 

Khuôn mặt ông gầy gầy, xương xương vì ông phải trải qua bao nhọc nhằn, vất vả. Tóc ông bạc gần hết, chải ngược ra sau để lộ vầng trán cao cao, hằn in nhiều nếp nhăn. Đôi mắt ông còn rất sáng. Mỗi tối ông thường xem tivi, chương trình thời sự. 

Đôi bàn tay xương xương và rám nắng của ông minh chứng một điều ông đã phải trải qua những tháng ngày vất vả để nuôi con cháu. Thế nhưng, hiện giờ đôi bàn tay ấy vẫn còn rất nhanh nhẹn. Mỗi buổi chiều ông thường xách nước tưới cây kiểng và chăm sóc cây, đó là một thói quen mà ông không thế bỏ được. Vườn cây của ông mùa nào quả nấy. Mỗi lần về thăm ngoại, chúng em tha hồ hái ăn mà không hề bị rầy la. 

Ông em luôn qua tâm đến con, cháu. Ông luôn nhắc nhở từng li, từng tí, ông còn dạy chúng em biết yêu thương và quan tâm đến mọi người xung quanh. Em rất yêu thương ông ngoại của mình.

Bài số 2: Tả bà ngoại

Bà ngoại của em năm nay đã bảy mươi tuổi. Bà sống cùng với gia đình em từ khi em còn rất nhỏ. Bà chính là người chăm sóc em từ cái ăn đến giấc ngủ khi bố mẹ em phải bận làm việc. Nên đối với em, bà có lẽ là người gắn bó nhất. Bà em có dáng người không cao lắm. Khuôn mặt phúc hậu với đôi mắt hiền từ. Mái tóc trắng bạc phơ đã được bà cặp gọn. Đôi bàn tay nhỏ nhắn đã vất vả làm lụng cả một đời. Mỗi khi không phải đi học, em thường ở nhà trò chuyện cùng bà. Lúc đó, bà thường kể cho em nghe những câu chuyện về cuộc sống thời xưa. Thỉnh thoảng, em còn giúp bà làm những việc lặt vặt trong nhà. Em mong rằng bà sẽ luôn khỏe mạnh để sống cùng với chúng em. Em yêu quý bà rất nhiều.

Bài số 3: Kể về chị gái của em

Trong gia đình, người em yêu quý nhất chính là chị gái. Chị em năm nay mười sáu tuổi. Chị của em tên là Thu. Chị đang là học sinh lớp mười một. Dáng người của chị không cao lắm và hơi gầy. Khuôn mặt trái xoan cùng với nước da trắng khiến chị trông rất xinh xắn. Nhưng em thích nhất là nụ cười ấm áp của chị. Chị rất yêu thương em. Khi còn nhỏ chị thường nhường cho em đồ chơi đẹp. Những lúc có bài nào không hiểu, em thường nhờ chị giảng bài hộ. Thỉnh thoảng, chị còn là một nhà thiết kế thời trang – giúp em có được những bộ trang phục độc đáo vào những ngày cả gia đình đi chơi. Ở trường học, nếu có ai bắt nạt em, chị sẽ là người đầu tiên biết được, rồi ra tay giúp đỡ. Em và chị đã có nhiều kỉ niệm đẹp đẽ bên nhau.

Bài số 4: Kể về người hàng xóm mà em quý nhất – Mẫu 1

Ngay sát nhà em là nhà bác Hòa. Bác Hoà là hàng xóm thân thiết nhất của gia đình em. Năm nay, bác bốn mươi tuổi. Bác là giáo viên trường trung học cơ sở Cát Linh. Có lần đi xa về, bác cho em quyển truyện. Tuy món quà nhỏ nhưng đó là quyển truyện hay nhất mà em từng đọc. Bác có dáng người cân đối, da ngăm đen, khuôn mặt đôn hậu. Bác rất yêu quý trẻ em trong xóm. Thỉnh thoảng, bác kể chuyện cho chúng em nghe. Có lần, sang nhà bác chơi chẳng may em làm vỡ lọ hoa. Em xin lỗi bác nhưng bác không trách em mà căn dặn: “Lần sau cháu phải cẩn thận hơn nhé!”. Bác quả là người nhân hậu. Em coi bác như người thân trong gia đình.

Bài số 5: Kể về người hàng xóm mà em quý nhất – Mẫu 2

Mùa hè năm nay gia đình em chuyển đến nơi ở mới. Người hàng xóm đầu tiên mà em quen là chị Diệp. Chị có dáng người cao cao. Mái tóc của chị dài và luôn được tết gọn gàng. Chị rất vui tính. Mỗi khi chị cười để lộ chiếc răng khểnh trông thật duyên. Buổi chiều nào chị cũng sang nhà em chơi. Lúc đầu em còn rất bỡ ngỡ nhưng nhờ có chị nên em đã làm quen được với rất nhiều bạn mới. Rồi chị dẫn em ra nhà văn hóa, sân chơi, vườn hoa. Em rất vui được làm bạn với chị Diệp. Em mong chị Diệp mãi mãi ở gần nhà em.

Xem thêm các bài viết mẫu TẠI ĐÂY.

Tập làm văn tả người em yêu quý nhất lớp 4

Dưới đây là các bài tả người dành cho các bạn học sinh lớp 4:

Tập làm văn tả người em yêu quý nhất lớp 4. (Ảnh: Canva)

Bài số 1: Tả về mẹ của em

Trong gia đình của em, ai cũng là người em yêu quý, nhưng người mà em yêu quý nhất đó chính là mẹ của em. Mẹ em năm nay đã 37 tuổi. Mẹ có dáng người cân đối, thon thả. Mái tóc của mẹ em là tóc xoăn, có màu nâu mượt. Khuôn mặt trái xoan với đôi mắt hai mí, chiếc mũi cao cao và đôi môi đỏ hồng luôn nở nụ cười rạng rỡ là nững nét nổi bật. Mẹ em sở hữu làn da trắng hồng tự nhiên. Hằng ngày, mẹ em thường hay mặc những chiếc váy đẹp được cách điệu nhưng không quá diêm dúa.

Mẹ em không những xinh đẹp mà còn rất đảm đang nữa. Hôm nào trong nhà có ai sinh nhật, mẹ thường về sớm để chuẩn bị mọi thứ. Một lần, khi đi học về em đã thấy mùi thơm phức của các món ăn phát ra từ nhà mình rồi. Vào trong nhà, trên bàn ăn thấy bày bao nhiêu là món ăn ngon: màu đỏ của cà chua, màu xanh của rau, màu nâu của thịt bò,… Tối hôm đó, cả gia đình em đã có một bữa tiệc sinh nhật rất vui vẻ. Có lần, trời đổi gió, em bị ốm, sốt cao tới 39 độ, mẹ em rất lo lắng. Mẹ đưa em vào bệnh viện để khám, bác sĩ bảo em bị viêm phổi. Bác sĩ kê đơn thuốc rồi bảo mẹ cho em uống cho đến khi hết sốt. Mẹ chăm sóc em rất ân cần, chu đáo. Sau ngày em bị ốm, mẹ em gầy hẳn đi vì những đêm thức trắng để chăm sóc em.

Em rất yêu mẹ của em. Dù có đi đâu xa, em vẫn luôn nhớ về mẹ của mình. Em thầm hứa sẽ học thật giỏi để không phụ sự chăm sóc, yêu thương của mẹ.

Bài số 2: Bài văn tả người bà mà tôi vô cùng kính mến

Trong đời này, ai chẳng có một người bà. Và tôi cũng vậy, ngoài tình yêu thương mà bố mẹ dành cho, tôi còn được sống trong tình thương yêu trìu mến của bà. Vì điều kiện gia đình, tôi phải chuyển nhà, không được ở bên bà nhưng hình ảnh bà luôn khắc sâu trong trái tim tôi.

Bà tôi năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Tóc bà trắng như những bà tiên trong các câu chuyên cổ tích. Lưng bà còng lắm rồi. Làn da nhăn nheo với nhiều chỗ có chấm đồi mồi. Bà đã hi sinh cả tuổi xuân, tần tảo, bươn chải, thức khuya dậy sớm nuôi nấng mẹ và các dì tôi. Đôi mắt bà không còn tinh tường như trước nhưng cái nhìn thì vẫn như ngày nào: trìu mến và nhân hậu. Đôi bàn tay thô ráp, chai sần bởi suốt đời lặn lội, vất vả kiếm cơm áo cho các con.

Ngày còn thơ bé, tôi được sống trong vòng tay yêu thương vô bờ bến của bà. Đêm nào tôi cũng chìm trong giấc ngủ êm đềm nhờ những câu chuyện cổ tích bà kể. Sáng sớm, bà gọi tôi dậy đi học. Lời gọi: “Cháu ơi, dậy đi nào, đã đến giờ đi học rồi” luôn làm tôi tỉnh táo sau giấc ngủ dài. Bà dắt tay, đưa tôi đến trường. Chờ cho cánh cổng trường khép hẳn, bà mới an tâm ra về. Chiều chiều, vẫn cái dáng đi lặng lẽ ấy, bà đưa tôi trở về nhà. Mỗi khi ở cạnh bà, tôi cảm thấy ấm áp vô cùng.

Có lần bị ngã, tôi đã nằm ăn vạ rất lâu. Bà ẩy con lật đật và bảo: “Con lật đật luôn biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Cháu của bà cũng vậy, đúng không nào? Cháu được như con lật đật là bà rất vui”. Nghe lời bà, tôi nín khóc và tự đứng dậy. Bà cười móm mém “Cháu ngoan lắm, lại đây bà phủi đất cho nào”. Những hôm học khuya, buồn ngủ quá, tôi gục luôn xuống bàn thiếp đi. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang đắp chăn, nằm trên giường. Trên bàn học, đèn đã tắt từ lúc nào, sách vở được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Bà đã bế tôi lên giường, xếp lại sách vở cho tôi.

Bà luôn chăm lo việc nhà. Mẹ tôi không muốn bà làm, sợ bà mệt nhưng bà không nghe. Tôi mong mình lớn thật nhanh để đỡ đần cho bà nhưng nhiều khi, tôi lại ước ao thời gian trôi thật chậm để tôi mãi mãi nằm trong vòng tay yêu thương của bà.

Bà rất vui tính, thường kể cho cả nhà nghe những chuyện hài hước. Bà cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ hàng xóm, vì vậy, ai cũng yêu quý bà. Bà yêu thương tôi nhưng không nuông chiều. Có lần, tôi không nghe lời bà. Cả tuần, bà không nói với tôi một câu nào. Sang tuần sau, bà gọi tôi vào phòng, giảng giải cho tôi biết đâu là điều hay lẽ phải. Tôi cảm thấy ăn năn, xấu hổ vì để bà buồn. Sau chuyện đó, tôi tự hứa với mình, không bao giờ được phụ công lao tình cảm của bà.

Bà thích chăm sóc cây cảnh, Sáng sáng, bà dậy sớm tưới cây trên sân thượng. Những chồi non, nụ hoa không phụ công chăm sóc của bà, luôn tưng bừng khoe sắc thắm. Những lúc rảnh rỗi, bà ngồi ngắm không biết chán những cái cây đang dần dần lớn lên.

Tối tối, khi đi ngủ, bà thường kể chuyện cho tôi. Nghe các câu chuyện của bà, tôi như được hoá thân vào các nhân vật, khi thì là cô Tấm dịu hiền, khi lại là cô tiên tốt bụng. Bà mua cho tôi rất nhiều sách, nhờ đó kiến thức của tôi được rộng mở hơn.

Bài số 3: Tả ông ngoại kính yêu của em

Ông ngoại em là người mà em yêu mến nhất. Ông rất gần gũi và chăm nom trong cả quãng đời thơ ấu.

Ông em năm nay đã ngoài 70 tuổi. Ông có vóc người gầy gầy, nhưng đi lại vẫn còn nhanh nhẹn. Hằng ngày ông thường mặc bộ đồ bà ba màu xám trông rất sạch sẽ. Khi đi đâu thì ông mặc quần tây áo sơ mi. Khuôn mặt ông gầy gầy, xương xương vì ông phải trải qua bao nhọc nhằn, vất vả. Tóc ông bạc gần hết, chải ngược ra sau đế lộ vầng trán cao cao, hằn in nhiều nhằn. Đôi mắt ông còn rất sáng. Mỗi tối ông thường xem ti vi, chương trình thời sự. Răng ông đâ rụng mấy cái làm cho cái miệng ông móm mém. Đôi bàn tay xương xương và rám nắng của ông minh chứng một điều ông đã phải trải qua những tháng ngày vất vả để nuôi con cháu. Thế nhưng, hiện giờ đôi bàn tay ấy vẫn còn nhanh nhẹn. Mỗi buổi chiều ông thường xách nước tưới cây kiểng và chăm sóc cây, đó là một thói quen mà ông  không thế bỏ được. Vườn cây của ông mùa nào quả nấy. Mỗi lần về thăm ngoại, chúng em tha hồ hái ăn mà không hề bị rầy la. Ông em luôn qua tâm đến con, cháu. Ông nhắc nhở từng li, từng tí, ông dạy chúng em biết yêu thương và quan tâm đến mọi người xung quanh. Ông đối xử tốt với những người trong xóm nên ai cũng quý ông.

Thương ông, em mong ông khỏe mạnh sống thật lâu. Ông như bóng mát của cây đa để cho con cháu làm chỗ dựa và phấn đấu vươn lên trong học tập trong cuộc sống.

Xem thêm các bài viết mẫu TẠI ĐÂY.

Bài mẫu tả người tập làm văn lớp 5

Dưới đây là các bài tả người dành cho các bạn học sinh lớp 5: 

Bài mẫu tả người tập làm văn lớp 5. (Ảnh: Canva)

Bài số 1: Tả bố của em

“Công cha như núi Thái Sơn” – câu ca dao ấy vẫn luôn đúng cho tới tận ngày nay. Nếu như mẹ cho em một bàn tay dịu dàng, một tình yêu thương ngọt ngào thì cha lại như một sự nâng đỡ em trong cuộc đời và cho em một tình yêu đong đầy nhưng cũng đầy nghiêm khắc. Đối với em cha không chỉ là một người trụ cột của gia đình, không chỉ là một người cha mà còn là một anh hùng, một tấm gương đạo đức để em học tập và noi theo.

Cha em không cao lắm chỉ có một mét sáu bảy nhưng thân hình lại khá đầy đặn. Tuy vậy cha lại rất nhanh nhẹn trong công việc. Cha còn có cả một khuôn mặt chữ điền vuông vắn có phúc, em biết điều đó vì được nghe rất nhiều người khen cha và thật tự hào về cha của mình. Cha có nước da trắng mà khiến nhiều người phụ nữ cũng phải ghen tị vì nước ấy. Những buổi đi làm đồng về cùng nhau rửa chân tay lấm bùn trên con mương nhỏ ai cũng phải trầm trồ vì làn da ấy.

Mắt cha em to tròn và ướt nước, nhìn ban đêm thì thật lấp lánh hiền từ như những ngôi sao ngoài trời đêm. Đôi môi đẹp lắm và cả những hàm răng đều tăm tắp như hạt ngô càng làm cho vẻ hiền từ của cha trở nên đẹp lạ thường. Mà đặc biệt mỗi khi cha cười em thấy hạnh phúc biết bao, đó là một nụ cười rạng rỡ, một nụ cười hiền lành chất phác của một người nông dân. Đặc biệt hơn nữa là đôi bàn tay cha, đôi bàn tay ngày ngày chăm lo em, đôi tay vuốt má, đôi tay ẵm em và cả đôi tay đòn roi đau đớn nữa. Bàn tay cha không mềm mại như bàn tay của nhiều người khác bởi quê hương nghề chính là đồng ruộng vì vậy mà đôi bàn tay của cha chai đi vì cày bừa, chai đi vì mưa nắng ngoài ruộng. Thế nhưng đôi bàn tay vẫn tràn đầy yêu thương khi vỗ về những đứa con nhỏ, vẫn xoa đầu hay vuốt mà chúng đầy ngọt ngào. Và cũng chính vì thế em hiểu được phần nào những nỗi vất vả mà cha đã phải chịu vì em. Không những thế bàn tay chai, khô cằn, ngắn ngủn đó lại em có thể viết rất đẹp và làm ra những đồ vật thật đẹp mắt trong nhà. Bàn tay ấy còn làm nên những ngôi nhà đẹp đẽ, nhìn những viên gạch đỏ lừ được xếp thành hàng bên cạnh những hàng vữa thật sự thích mắt.

Và giờ đây khi em đã khi thời gian và những nhọc nhằn mà cha đã trải qua đã khắc tạc trên khuôn mặt mái tóc cha em. Mới ngày nào mà mái tóc đã ngả sang màu khói. Đó không hẳn là trắng cũng không hẳn đã là đen, đó là một màu tóc của sương sớm, là màu tóc của những ánh nắng gắt gỏng trên cánh đồng ban trưa và là màu của cơn mưa rào nọ. tất cả những nhọc nhằn sóng gió của cuộc đời cũng như những vất vả khi chăm sóc những đứa con trưởng thành như hằn in trên những vết nhăn trên mắt cha. Mỗi lần cha cười những vết nhăn ấy lại lộ ra rõ hơn hay cũng có khi em nhận bắt gặp những nếp nhăn ấy nhưng không phải cười mà là cha đang suy nghĩ về điều gì đó. Dẫu thời gian có mang tuổi thanh xuân của cha đi nhưng cho đến bây giờ cha vẫn luôn là người bảo vệ em khỏi những nguy hiểm của cuộc sống, cha vẫn là điểm tựa vững chắc và bàn tay nâng đỡ khi em vấp ngã.

Em rất yêu mến cha của em nếu có một điều ước em luôn mong sức khỏe đến cho cha để cha sống với em mãi mãi. Nếu như mẹ giống như một thiên thần một bà tiên trong mắt em thì cha lại giống như một vị anh hùng, một ông tiên hiền lành không chỉ mang đến những phép màu cho cuộc đời em mà mang đến cả một tình phụ tử thiêng liêng đầy che chở.

Bài số 2: Tả em trai của em

Gia đình em có bốn người bố, mẹ em và một cậu em trai ngoan ngoãn. Em trai em tên là Vũ và em cũng rất yêu quý em Vũ nhất trong nhà.

Em Vũ năm nay em mới có 5 tuổi. Em Vũ ngoan lắm cho nên cả nhà ai ai cũng yêu quý em. Là con trai nên em cũng có lúc nghịch ngợm nhưng khi được cả nhà chỉ bảo là em nghe theo ngay. Mái tóc của em lưa thưa thật mềm mại biết bao nhiêu, ở lớp em cũng rất được cô giáo yêu quý. Bạn bè của Vũ cũng thích chơi với Vũ. Mỗi lần đi chơi nhà bạn gần nhà em cũng đều xin phép bố mẹ cần thận rồi mới đi. Khi em học bài thì Vũ cũng thích lắm, nó cứ chăm chú nhìn em học và cũng biết được những chữ cái mà cô giáo trong trường mầm non dạy cho. Vũ có trí nhớ cũng thật tốt, chỉ cần học vài ba lần là nó cũng đã thuộc được những câu thơ ngắn. Hay thỉnh thoảng còn đứng kể truyện cổ tích cho cả nhà nghe nữa.Những câu truyện cổ tích Vũ kể nó cũng chỉ là kể được những điểm cốt truyện, lắm khi còn lộn xộn, kể qua một đoạn mới nhớ ra quên mất chi tiết làm cả nhà cười lăn ra.

Vũ có dáng người nhỏ nhỏ nhưng nhanh nhẹn lắm, ở lớp không ai chạy nhanh bằng nó. Ai cũng thích nói chuyện với Vũ vì Vũ lại có tính hài hước nữa.Em cũng rất quý em Vũ và tự hứa sẽ cố gắng học tập tốt để cho em Vũ noi theo.

Tham khảo thêm: Top 10 chủ đề viết đoạn văn tiếng Anh lớp 5 cho bé (có hướng dẫn viết)

Bài số 3: Tả cô giáo của em

Trong đời học sinh của mình, tôi nhận được sự dạy dỗ của rất nhiều thầy cô giáo, nhưng người thầy cô để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất đó là cô Oanh, cô giáo chủ nhiệm của tôi năm lớp 4.

Cô giáo chủ nhiệm của tôi là một người rất giản dị, cách ăn mặc của cô khác hẳn với những thầy cô khác. Hàng ngày đến lớp cô thường diện chiếc áo sơ mi và chiếc quần âu đen, nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp dịu hiện của cô. Cô có mái tóc rất dài, mượt mà, đen nhánh và luôn phảng phất hương thơm. Với mái tóc ấy, khi thì cô tết tóc hai bên, khi cô búi cao trên đỉnh đầu, khi thì buộc cao lên. Dù tạo theo kiểu nào, nhìn cô vẫn rất trẻ trung và duyên dáng. Đôi mắt cô to tròn, đen láy, vô cùng cương nghị nhưng cũng không kém phần dịu dàng. Dù chúng tôi có mắc khuyết điểm cô vẫn luôn nhìn chúng tôi với ánh mắt trìu mến. Còn mỗi khi chúng tôi mắc lỗi, đôi mắt cương nghị của cô lại đượm buồn. Đôi bàn tay cô thon dài, luôn viết ra những mạch văn giàu cảm xúc để chuyển tải bài học đến với chúng tôi. Giọng nói của cô thật truyền cảm, khi thì dịu dàng, ấm áp, lúc lại dí dỏm, vui tươi khiến cho chúng tôi luôn tập trung vào bài học, quên cả thời gian. Khi giảng bài cô thường pha trò thêm để tạo không khí vui vẻ cho chúng tôi học bài, vì vậy tiết học của cô khiến chúng tôi rất thích thú. Những khi cần nghiêm khắc cô cũng rất nghiêm khắc với chúng tôi. Với cô dạy học không chỉ là một nghề, mà còn là một niềm đam mê. Cô luôn chuẩn bị rất kỹ cho bài giảng của mình, nhiều khi cô còn sử dụng cả những đoạn clip ngắn về bài học, giúp chúng tôi có thể tiếp thu bài nhanh nhất. Dù cô đã là một giáo viên nhưng cô vẫn học, đó là sở thích của cô. Trước giờ lên lớp cô luôn soạn giáo án rất cẩn thận và giảng bài rất nhiệt tình với học sinh. Cả lớp chúng tôi ai cũng yêu thích tiết học của cô.

Ngoài giờ học cô thường đến bên chúng tôi để giúp đỡ những bạn học kém, hoặc kể chuyện cho chúng tôi nghe. Những bạn học kém trong lớp được cô đến tận nhà để thăm và chỉ bảo. Bạn Nam học kém nhất lớp, và gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất, nhưng nhờ sự giúp đỡ ân cần của cô, cùng với những món quà nhỏ mà cô đã trích ra từ đồng lương ít ỏi của mình, bạn Nam đã vượt qua khó khăn và vươn lên thành học sinh giỏi của lớp.

Tôi còn nhớ rất rõ lần ấy, tôi bị ốm và nghỉ học một tuần, khi đến lớp tôi rất lo lắng vì không theo kịp các bạn. Nhưng ánh mắt và sự tận tình của cô đã giúp tôi bình tĩnh trở lại. Cuối buổi học cô đã gọi tôi ở lại để giảng lại bài cho tôi nghe, cô nhắc bạn bên cạnh cho tôi mượn vở để tôi chép lại bài và căn dặn chỗ nào chưa hiểu cứ hỏi để cô giảng lại bài. Tôi rất vui và xúc động trước thái độ của cô, sau lần đó tôi đã học tập chăm chỉ hơn nhiều và cuối năm học đó tôi đã trở thành học sinh xuất sắc của lớp.

Bây giờ cô giáo chủ nhiệm của tôi đã là một cô giáo khác, nhưng hình ảnh về cô giáo chủ nhiệm năm lớp 4 làm tôi không bao giờ quên. Suốt cuộc đời này tôi sẽ luôn lưu giữ hình ảnh cô trong tim mình và cố gắng học tập thật tốt để xứng đáng với những gì mà cô đã dành cho chúng tôi.

Bài số 4: Tả bác bảo vệ trường em

Bác Lâm năm nay đã ngoài tuổi bốn mươi nhưng trông bác vẫn khỏe mạnh và lạc quan, yêu đời lắm. Dáng bác hao hao gầy, dong dỏng cao, lúc nào cũng quen thuộc với đồng phục bảo vệ màu xanh lam. Mái tóc bác đã qua thời tuổi trẻ, mái tóc xanh giờ đã điểm vài sợi bạc. Có lẽ bởi bác đã nghĩ suy nhiều. Sự khó nhọc một đời hằn lên những vết nhăn trên vầng trán cao rộng của bác. Đôi mắt bác khi thì ánh lên những cái nhìn nghiêm nghị của một bảo vệ, khi lại ánh lên những cái nhìn rất đỗi trìu mến của một người bác hết lòng vì con cháu.

Bác Lâm nghiêm khắc lắm. Nhưng những lúc chúng em mắc lỗi, bác chỉ phê bình chứ không quát năng lời nhẹ chúng em. Hằng ngày, bác lặp đi lặp lại những công việc quen thuộc: đánh trống báo giờ, mở cổng, khóa cổng, canh cổng, kiểm tra các lớp sau giờ học. Công việc tưởng chừng như lặp đi lặp lại nhàm chán nhưng đòi hỏi phải chính xác, tỉ mỉ. Ấy và, bác đã gắn bó với nó được ngót nghét chục năm trời rồi. Bác Lâm thân thiện với học sinh lắm. Mỗi lúc đến thăm bác, bác kể cho chúng em những câu chuyện ngày xưa, hồi bác mới về trường. Bác kể về các lứa học sinh đã trưởng thành như thế nào.

Bác đã gắn bó với trường mấy mươi năm, ngày ngày đánh trống báo giờ, lặng lẽ khóa cổng, mở cổng, kiểm tra lớp sau giờ học. Có những ngày nghỉ, bác vẫn ở trường canh cả ngày lẫn đêm. Công việc thầm lặng ấy để đảm bảo sự an cho trường và cho chính chúng tôi. Thầy cô, học sinh trong trường ai cũng quý bác Lâm lắm. Học sinh đến chơi với bác, khi thì bác cho cái bánh, cái kẹo, lúc lại gọt hoa quả cho ăn. Bác coi học sinh chúng em như con, như cháu mình, lúc nào cũng động viên chúng em khi có một kì thi sắp sửa.

Em yêu quý bác Lâm và cũng coi bác như một người bác ruột của mình. Sau này, như những cánh chim bay đi khắp nẻo, em nhất định sẽ luôn về thăm bác, sẽ mãi nhớ về bác Lâm – bác bảo vệ tuyệt vời trường em.

Xem thêm các bài viết mẫu TẠI ĐÂY.

Qua bài viết này, ba mẹ đã nắm được cách lập dàn ý bài tập làm văn tả người cho các con từ lớp 2 đến lớp 5. Bên cạnh đó là các bài viết mẫu được tổng hợp đầy đủ sẽ giúp các con hiểu rõ cách trình bày và diễn đạt bài trôi chảy. Ba mẹ đừng quên theo dõi thêm Blog Học tiếng Việt để cập nhật nhiều bài viết về kiến thức tiếng Việt Tiểu học cũng như phương pháp dạy con bộ môn này nhé!

0 ( 0 bình chọn )

Nguyễn Tất Thành

https://truongnguyentatthanh.edu.vn
Nguyễn Tất Thành - Nơi chia sẻ kiến thức chuyên sâu trong các lĩnh vực từ giáo dục, văn hóa đến kỹ năng phát triển bản thân. Với các bài viết chất lượng, Nguyễn Tất Thành cung cấp nền tảng vững chắc cho người đọc muốn nâng cao hiểu biết và kỹ năng. Khám phá thông tin hữu ích và học hỏi từ những chuyên gia đầu ngành để hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

Ý kiến bạn đọc (0)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm